Rôm sảy còn được gọi là phát ban nhiệt, là tình trạng đổ nhiều mồ hôi nhưng ống mồ hôi bị bít tắc, ứ đọng mồ hôi gây nên các nốt mụn nhỏ li ti màu hồng trên da. Thời tiết nắng nóng, chế độ chăm sóc của cha mẹ không đúng cách, hoặc trẻ nóng trong, sốt cao… chính là tác nhân gây ra rôm sảy xuất hiện.
Dưới đây là danh sách 10 loại lá tắm nên sử dụng trong việc chữa rôm sảy an toàn nhất
Lá trầu không: có hoạt tính kháng khuẩn mạnh giúp ngăn ngừa nhiễm trùng do rôm sảy.
Lá chè xanh (trà xanh): giúp thanh nhiệt, giải độc, kháng khuẩn và làm lành vết thương nhanh, ”thần thuốc” hữu hiệu giúp bé nhanh khỏi rôm sảy.
Lá khế: có tác dụng tán nhiệt độc, giải nhiệt rất nhanh và làm sạch hiệu quả, thích hợp dùng điều trị mụn nhọt, ngứa, rôm sảy.
Lá kinh giới: có chứa các flavonoid, tinh dầu tự nhiên có tác dụng chống viêm, sát khuẩn ngoài da, giúp rôm sảy nhanh khỏi.
Cỏ mần trầu: có tính mát với tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, làm dịu da bé khi bị rôm sảy.
Lá trà shan tuyết: giúp làm sạch, kháng viêm, nâng cao đề kháng, giúp vết rôm sảy nhanh lành.
Lá tía tô: chứa hàm lượng tinh dầu có tính sát khuẩn mạnh, giảm cảm giác ngứa do rôm sảy. Ngoài ra lá tía tô còn có chứa các vitamin giúp nuôi và dưỡng da bị rôm sảy.
Mướp đắng: mướp đắng có chứa thành phần kháng sinh tự nhiên giúp làm sạch và sát khuẩn trên da.
Lá dâu tằm: có công dụng tản nhiệt nên giúp hỗ trợ điều trị bệnh rất tốt, lại an toàn, ít gây kích ứng da.
Lá sài đất: có tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, rất hiệu quả trong việc chữa mụn nhọt, rôm sảy cho bé.
Cách tắm lá: Mẹ có thể chọn một hoặc nhiều loại lá mát, rửa sạch với nước, đun sôi, pha với nước sạch sao cho độ ấm phù hợp. Mẹ tắm 1 lần 1 ngày cho bé, tắm rửa toàn thân, kỳ cọ kỹ hơn ở những vùng da nhiều mồ hôi như lưng, cổ, mông. Không cần phải tráng lại bằng nước hoặc mẹ có thể bớt ra một phần nước lá để tắm tráng và dùng khăn lau khô người bé.
Mẹ cũng có thể tắm lá cho bé hàng ngày vào mùa hè để phòng ngừa rôm sảy.
Trương Tử Vy – BNSG