TP.HCM: Nhiều giải pháp tháo gỡ thẻ vàng EC cho thủy sản Việt, được chuyên gia quan tâm

Tại hội thảo “Khung pháp lý quốc tế và Việt Nam về khai thác thủy sản bền vững và có trách nhiệm”, chuyên gia kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ thẻ vàng EC cho thủy sản Việt.

Ngày 15.7 vừa qua, Trường đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) phối hợp với Phái đoàn Wallonie – Bruxelles tại Việt Nam, Trường đại học Liège Vương quốc Bỉ, Trường đại học College Cork- Ireland, tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Khung pháp lý quốc tế và Việt Nam về khai thác thủy sản bền vững và có trách nhiệm”.

Tại hội thảo, các nhà khoa học sẽ bàn luận về khung pháp luật quốc tế và Việt Nam về khai thác thuỷ hải sản trên biển; các biện pháp chế tài trong đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo, không theo quy định (IUU) và khuyến nghị giải pháp tháo gỡ thẻ vàng EC cho ngành thủy sản Việt Nam.

PGS-TS Ngô Hữu Phước, giảng viên Trường Kinh tế – Luật TP.HCM tham gia và phát biểu tham luận tại hội thảo.

Ông Phước khuyến nghị nhiều giải pháp để tháo gỡ thẻ vàng EC như nghiên cứu xây dựng luật khai thác thủy sản trên biển hoặc luật về nghề cá; Ký kết Hiệp định nghề cá mới trong Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc thay cho hiệp định cũ đã hết hiệu lực từ 30.6.2020, khuyến nghị các quốc gia trong khu vực Biển Đông đàm phán để phân định các vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn…

Theo TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, một trong những nguyên nhân dẫn đến IUU do Biển Đông đang tồn tại các vùng chồng lấn chưa được phân định rõ ràng, nhiều ngư dân chưa biết vùng được phép đánh cá đến đâu. Do đó, các cơ quan chức năng phải làm rõ và thông tin vấn đề này, không vội vàng kết luận ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trái phép.

Hình ảnh TS Trần Công Trực, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ tại buổi hội thảo.

Vào tháng 4.2015, Thái Lan từng vi phạm IUU và bị EU cảnh báo thẻ vàng EC đối với hoạt động đánh bắt thuỷ hải sản. Đến năm 2019, Thái Lan ra thông báo gỡ bỏ thẻ vàng EC bằng cách loại bỏ khai thác IUU. Theo PGS-TS Dương Anh Sơn, Việt Nam đang nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng EC và khôi phục lại hoạt động xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU.

Theo ông Sơn, Việt Nam cần nâng cao chế tài đối với hành vi khai thác thủy sản vi phạm IUU, hoàn thiện quy định về truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thủy sản và bắt buộc ghi nhật ký khai thác thủy sản; đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống giám sát hành trình và tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát tàu cá và tích cực hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chống khai thác IUU.

Hình ảnh đoàn chủ tọa điều hành biểu hội thảo “Khung pháp lý quốc tế và Việt Nam về khai thác thủy sản bền vững và có trách nhiệm”.

IUU (Illegal Unreported an Unregulated fishing) là viết tắt của hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định.

Là khu vực tiên phong trong việc xây dựng và thực thi biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát và loại bỏ IUU, ngày 29.9.2008, Ủy ban Châu Âu (EC) đã ban hành quy định số 1005/2008 nhằm cảnh báo và áp đặt các biện pháp thương mại đối với tàu cá và quốc gia ủng hộ IUU.

Với quy định này, EU đã chính thức thiết lập hệ thống trên toàn EU nhằm ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu sản phẩm hải sản được khai thác IUU vào thị trường EU. Tính đến nay, EU đã cảnh báo thẻ vàng và phạt thẻ đỏ đối với 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.

Trương Tử Vy – BNSG (Tổng hợp)