Áp lực lạm phát tăng vọt đang đè nặng lên nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Cục dự trữ liên bang Mỹ phát đi thông điệp “diều hâu” và được dự báo sẽ tăng ít nhất 75 điểm cơ bản trong cuộc họp cuối tháng 7. Ngân hàng Trung ương châu Âu buộc phải tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm.
Vậy vì sao Ngân hàng Nhà nước chưa tăng lãi suất?
Trả lời câu hỏi trên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, lạm phát thế giới đi vào Việt Nam theo con đường nhập khẩu, và đi dần vào giá tiêu dùng. Tức là chỉ có lạm phát chi phí đẩy chứ không bao gồm cả lạm phát cầu kéo như ở Mỹ và các nước châu Âu. Để chống lạm phát chi phí đẩy, việc nới lỏng và thắt chặt đều ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, vì vậy, chính sách tiền tệ khó có động thái mạnh mẽ vào lúc này.
TS Lê Xuân Nghĩa cảnh báo: “Lạm phát này khiến chính sách lãi suất trở nên bất lực nên việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất như Ngân hàng Trung ương trên thế giới là điều không cần thiết. Nếu lãi suất tăng ở thời điểm hiện tại thì thị trường chứng khoán nguy hiểm”.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất điều hành chưa chắc đã phát huy tác dụng tốt với nền kinh tế.
Lạm phát tại Việt Nam tăng chủ yếu do yếu tố giá cả (chi phí đẩy) hơn là yếu tố tiền tệ (cung tiền và vòng quay tiền).
Tăng lãi suất chỉ có tác dụng nhiều khi lạm phát do yếu tố tiền tệ. Trong khi đó, chương trình phục hồi kinh tế đang triển khai đã có yêu cầu giữ ổn định lãi suất, nếu tăng lãi suất sẽ đi ngược lại với chương trình này”.
“Ba năm qua chịu tác động lớn của dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam không hoàn toàn cùng nhịp với kinh tế thế giới nên có tính chuyên biệt. Chính những điểm khác biệt này khiến Việt Nam không thể điều hành lãi suất như thế giới”, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận xét.
Lý giải cho quan điểm trên, TS. Võ Trí Thành cho biết: “Năm 2020, Việt Nam là ngôi sao khi kinh tế tăng trưởng 2,91%, còn kinh tế thế giới tăng trưởng âm. Khi kinh tế thế giới tăng mạnh 6,1% năm 2021 thì Việt Nam lại tăng trưởng thấp. 6 tháng đầu năm nay, kinh tế Việt Nam lại phục hồi tốt khi kinh tế thế giới kém đi. Trong chiến lược phát triển và phục hồi kinh tế, Việt Nam đặt trọng tâm vào vấn đề lãi suất và tiền tệ, nên việc điều hành đòi hỏi phải thận trọng. Ngoài ra, hiện nay cán cân thanh toán quốc tế tương đối ổn định, thặng dư không quá nhiều nên việc tăng lãi suất cũng chưa phải là vấn đề cần thiết.
So sánh lãi suất ngân hàng nào cao nhất hiện nay?
Khảo sát của PV tại 31 ngân hàng thương mại, vào cuối tháng 7.2022, gần chục ngân hàng đã đẩy mức lãi suất huy động lên từ 7,0 -7,55% năm cho các kì hạn dài trên 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.
Mức lãi suất huy động tiết kiệm cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về SCB với mức 7,55% cho kì hạn 18 tháng trở lên đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến.
Ở kì hạn 1 tháng, các ngân hàng niêm yết lãi suất huy động dao động từ 3,0% đến 4,0%. Có 5 ngân hàng niêm yết lãi suất ở mức cao nhất 4% là VIB, SCB, NCB, PGBank, GPBank. Thấp nhất thị trường là MB với mức lãi suất niêm yết 2,9%.
Ở kì hạn 3 tháng, chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng huy động là khoảng 0,7%. Đa số các ngân hàng thương mại đều niêm yết mức lãi suất huy động từ 3,3% – 4%.
Ở kì hạn 6 tháng, chênh lệch lên tới 2,85%. Lãi suất ngân hàng kì hạn này dao động từ 4% -6,9%. Cao nhất là CBBank ở mức 6,9% (hình thức gửi tiết kiệm online). Vị trí thứ 2 là SCB ở mức 6,85%. Xếp chót bảng lãi suất ngân hàng cao nhất kì hạn 6 tháng là VietcomBank, VietinBank, Agribank, BIDV mới mức 4%.
Từ kì hạn 12 tháng trở lên, có 3 ngân hàng niêm yết mức lãi suất huy động trên 7%/năm. Đứng đầu danh sách là SCB với mức lãi suất 7,3%.
Tại kì hạn 24 tháng, ngân hàng có lãi suất cao nhất là SCB niêm yết ở mức 7,55%. Trong khi đó, Vietcombank huy động tiền tiết kiệm với lãi suất thấp nhất thị trường: 5,3%.
Trương Tử Vy (Tổng hợp)