Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 5/8 tăng 300.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã giảm 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,60 – 67,62 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 25,6 USD lên mức 1.791,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều giảm nhẹ và về gần 1.785 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,93 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 5/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.182 đồng/USD, tăng 4 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.250 – 23.530 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 22.600 USD, thì sang phiên hôm nay đã hồi phục và lên trên 23.100 USD/ounce vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,01 USD (+0,01%), lên 88,55 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,12 USD (+0,13%), lên 94,24 USD/thùng.
VN-Index chỉ giảm nhẹ trước lực chốt lời diện rộng
Chỉ số VN-Index đảo chiều giảm ngay từ sớm do áp lực chốt lời gia tăng trên diện rộng khi thị trường đã trải qua chuỗi ngày hồi phục tích cực gần đây.
Dù vậy, lực cầu đã gia tăng mạnh khi thị trường bước vào đợt khớp lệnh ATC giúp VN-Index áp sát mốc tham chiếu khi đóng cửa.
Trái với diễn biến điều chỉnh chung, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã có khởi sắc, với SSI +5,3%, VND +3,8%, VIX và APG tăng trần +6,7%, CTS +5,5%, VCI +4,2%, FTS +3,7%, ORS +3,5%, AGR +3,3%…
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 6,24 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng 320,77 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 5/8: VN-Index giảm 1,41 điểm (-0,11%), xuống 1.252,74 điểm; HNX-Index tăng 2,17 điểm (+0,73%), lên 299,9 điểm; UpCoM-Index tăng 0,45 điểm (+0,5%), lên 91,32 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall có phiên giao dịch buồn tẻ trong ngày thứ Năm (4/8), khi nhà đầu tư chậm lại chờ đợi báo cáo việc làm tháng 7 để tìm manh mối về tốc độ tăng lãi suất của Fed.
Chỉ số Nasdaq nặng về công nghệ đạt mức cao nhất trong 3 tháng nhờ sự dẫn dắt của cổ phiếu Amazon.com tăng 2,2% và AMD tăng 5,9%, trong khi tổn thất ở các cổ phiếu năng lượng bao gồm Exxon Mobil giảm 4,2% và Chevron Corp giảm 2,7% trên S&P 500.
Dù vậy, trọng tâm của thị trường sẽ đặt vào phiên cuối tuần, khi Mỹ báo cáo việc làm tháng 7 và dự báo cho thấy, Mỹ sẽ có thêm hơn 250.000 việc làm mới, sau khi có 372.000 việc làm trong tháng Sáu trước đó.
Kết thúc phiên 4/8, chỉ số Dow Jones giảm 85,68 điểm (-0,26%), xuống 32.726,82 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,23 điểm (-0,08%), xuống 4.151,94 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 52,42 điểm (+0,41%), lên 12.720,58 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng lên trên ngưỡng tâm lý 28.000 điểm lần đầu tiên trong gần hai tháng, nhờ báo cáo thu nhập doanh nghiệp lạc quan.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,87% lên 28.175,87 điểm. Chỉ số này tăng 0,87% trong tuần. Chỉ số Topix tăng 0,85% lên 1.947,17 điểm.
Một người tham gia thị trường tại một công ty quản lý tài sản Nhật Bản cho biết, tâm lý nhà đầu tư được nâng đỡ nhờ sự phục hồi của chứng khoán Đài Loan, với chỉ số TAIEX tăng 2,27% và chỉ số chứng khoán tương lai của Mỹ tăng.
Phiên này, cổ phiếu Kikkoman Corp hoạt động tốt nhất trên Nikkei 225, tăng 9,25% sau khi nhà sản xuất thực phẩm công bố thu nhập cao trong quý II vừa qua.
Cổ phiếu Nippon Steel Corp tăng 8,31%, sau khi dự báo lợi nhuận trong năm nay giảm 6%, thấp hơn so với dự đoán của các nhà phân tích.
Chỉ số chứng khoán bluechip của Trung Quốc đã tăng mạnh nhất trong hơn 5 tuần, nhờ cổ phiếu các công ty công nghệ thông tin, khi luật mới của Mỹ nhằm cạnh tranh với các nhà sản xuất chip Trung Quốc làm dấy lên kỳ vọng về sự hỗ trợ nhiều hơn trong nước.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,19% lên 3.227,03 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,35% lên 4.156,91 điểm, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 30/6.
Chỉ số CNTT thuộc CSI 300 của Trung Quốc tăng 4,3%. Chỉ số phụ cổ phiếu chất bán dẫn tăng gần 7% và ghi nhận tăng 14% trong tuần, hiệu suất một tuần tốt nhất trong hai năm.
Thượng viện Mỹ tuần trước đã thông qua đạo luật sâu rộng để trợ cấp cho ngành công nghiệp bán dẫn nước này, với hy vọng thúc đẩy các công ty khi họ cạnh tranh với Trung Quốc.
Chứng khoán Hồng Kông nhích nhẹ khi các cổ phiếu công nghệ đã hỗ trợ, bất chấp đà trượt dốc của Alibaba.
Đóng cửa, Hang Seng tăng 0,14% lên 20.204,40 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,33% lên 6.905,17 điểm.
Cổ phiếu các công ty công nghệ niêm yết tại Hồng Kông tăng 0,8%, nhưng Alibaba giảm 2,2% khi gã khổng lồ thương mại điện tử lần đầu tiên báo cáo mức tăng trưởng doanh thu quý vừa qua không đổi.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng, nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu dược phẩm sinh học và hoạt động mua ròng từ nước ngoài.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 17,69 điểm, tương đương 0,72% lên 2.490,80 điểm. Chỉ số này đã tăng 1,6% trong tuần.
Ba cổ phiếu ngành dược phẩm sinh học dẫn đầu mức tăng trên chỉ số, với Samsung Biologics, Celltrion và SK Bioscience lần lượt tăng 2,29%, 4,23% và 4,42%.
Nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp tục mua ròng số cổ phiếu trị giá 373,3 tỷ won (287,47 triệu USD) trên bảng chính, kéo dài chuỗi mua ròng lên phiên thứ bảy, chuỗi mua ròng dài nhất kể từ cuối tháng 9/2021.
Kết thúc phiên 5/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 243,67 điểm (+0,87%), lên 28.175,87 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 37,99 điểm (+1,19%), lên 3.227,03 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 27,90 điểm (+0,14%), lên 20.201,94 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 17,69 điểm (+0,72%), lên 2.490,80 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
– NIM ngân hàng chịu sức ép 2 quý cuối năm
Bên cạnh dư địa mở rộng tín dụng hạn chế, việc mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng nhanh hơn so với lãi suất cho vay đang gây sức ép lên tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), từ đó ảnh hưởng tới lợi nhuận 2 quý cuối năm của các ngân hàng.
– Cấp bách tìm lối thoát cho trái phiếu doanh nghiệp
Hàng trăm ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp chuẩn bị đáo hạn, trong khi doanh nghiệp không thể phát hành mới, khiến rủi ro ngày càng hiện hữu và có thể lây lan. Nhanh chóng sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP là nhiệm vụ cấp bách lúc này.
– Doanh nghiệp niêm yết: Đến ít, đi nhiều
Từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 7, số doanh nghiệp niêm yết mới trên cả HOSE và HNX chỉ đạt con số 11, trong khi số mã bị huỷ niêm yết ngày càng nhiều.
– Mùa báo cáo kém vui của ngành địa ốc
Báo cáo tài chính quý II/2022 của nhiều doanh nghiệp ngành bất động sản cho thấy lợi nhuận suy giảm mạnh..>> Chi tiết
– Ả Rập Xê Út tăng giá bán dầu ở châu Á lên mức kỷ lục
Ả Rập Xê Út đã tăng giá bán dầu đối với các khách hàng ở châu Á lên mức kỷ lục, một dấu hiệu cho thấy nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới đang nhận thấy thị trường dầu trong khu vực vẫn còn thắt chặt.
Trương Tử Vy – BNSG