Trong 2 phiên giao dịch vừa qua, VN-Index đã ít nhất 3 lần thử thách với ngưỡng cản 1.280 điểm, nhưng mỗi khi vừa rướn qua hoặc vừa bước tới ngưỡng này, lực cung đã lập tức gia tăng, đẩy chỉ số này quay đầu trở lại.
Trong phiên hôm nay, điều đó tiếp tục lặp lại, thậm chí trong phiên chiều, VN-Index còn bị đẩy lại khá mạnh, hơn 15 điểm, khiến nhiều nhà đầu tư thót tim nghĩ tới kịch bản phiên giảm mạnh hôm nay.
Trong phiên sáng, sau ít phút giằng co nhẹ quanh tham chiếu, VN-Index được kéo lên chạm mốc 1.280 điểm trước khi bước vào giờ nghỉ trưa sát ngưỡng này. Tuy nhiên, như kịch bản 2 phiên trước, khi VN-Index được kéo lên mốc 1.280 điểm, lực cung nhanh chóng nhập cuộc, đẩy chỉ số này thoái lui trở lại và phiên hôm nay cũng không ngoại lệ, thậm chí bước lùi của VN-Index còn mạnh hơn nhiều so với các phiên trước.
Lực bán mạnh ngay khi thị trường bước vào phiên giao dịch chiều khiến VN-Index bị đẩy trở lại, đánh mất hơn 15 điểm so với phiên đóng cửa sáng, xuống dưới ngưỡng 1.265 điểm, dù trong nhịp giảm vẫn có vài nhịp hồi, nhưng không đáng kể.
Cú sảy chân này khiến nhiều nhà đầu tư thót tim, nghĩ tới viễn cảnh thị trường sẽ có phiên lao dốc cuối tuần và VN-Index có thể bị đẩy xuống đường MA20 (1.243 điểm), nhưng may mắn điều đó đã không xảy ra. Dù lực bán vẫn chiếm ưu thế, nhưng nhờ sự vững chắc của một số mã trụ như VPB, VCG, VNM, nhóm dầu khí đã chặn đứng đà giảm của thị trường, đóng cửa VN-Index ở sát ngưỡng 1.270 điểm, dù sắc đỏ gấp gần 3 lần sắc xanh. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp VN-Index đi ngang quanh ngưỡng này.
Chốt phiên, VN-Index giảm 4,48 điểm (-0,35%), xuống 1.269,18 điểm với 124 mã tăng và 338 mã giảm, dù vậy mức biến động không quá lớn khi chỉ có duy nhất VCG tăng trần, trong khi chỉ có duy nhất VPG giảm sàn khi đóng cửa. Tổng khối lượng giao dịch đạt 607,6 triệu đơn vị, giá trị 14.920,5 tỷ đồng, tăng nhẹ về khối lượng, nhưng giảm nhẹ về giá trị so với phiên hôm qua, cho thấy hôm nay nhóm cổ phiếu thị giá nhỏ được giao dịch sôi động. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 39,4 triệu đơn vị, giá trị 1.347,2 tỷ đồng.
Hôm nay không có nhóm nào quá nổi bật, mà có sự phân hóa rõ nét, ngay kể cả nhóm dầu khí. Dù vậy, nhóm dầu khí các mã lớn đều tăng như GAS tăng 1,7% lên 115.600 đồng, PLX tăng 0,7% lên 42.700 đồng, PVD tăng 4,2% lên 19.800 đồng.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng chỉ duy nhất VPB tăng giá, nhưng lại có mức tăng khá mạnh tới 4% lên 31.250 đồng và thanh khoản đạt 31,8 triệu đơn vị, cao nhất thị trường. Ngoài ra, chỉ có thêm OCB đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm.
Nhóm chứng khoán cũng chia 2 chiến tuyến, trong đó các mã lớn cũng phân hóa với SSI và VND tăng nhẹ, còn HCM và VCI giảm nhẹ. Thanh khoản SSI và VND vẫn lớn nhất nhóm đều hơn 15 triệu đơn vị.
Nhóm thép chỉ còn 3 sắc xanh nhạt tại DTL, TNA và POM, cùng TLH đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm, trong đó 3 mã đáng chú ý nhất nhóm giảm mạnh nhất. Cụ thể, HPG giảm 1,7% xuống 23.750 đồng, khớp gần 31,5 triệu đơn vị, NKG giảm 2,1% xuống 21.350 đồng, khớp gần 12,8 triệu đơn vị và giảm mạnh nhất là HSG mất 3,3% xuống 20.400 đồng, khớp gần 14,8 triệu đơn vị.
Khối lượng hôm nay tăng, trong khi giá trị giảm do sự sôi động của nhóm FLC khi lực cầu bắt đáy nhập cuộc tích cực sau thông tin FLC đưa ra lộ trình để tránh bị đình chỉ giao dịch như “người em” ROS.
Trong đó, FLC và HAI dù mở cửa vẫn giảm kịch sàn, nhưng lực cầu bắt đáy sau đó đã kéo cả 2 hồi phục, trong đó FLC lên gần trần, còn HAI đã chạm mức trần 2.420 đồng. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn không cảm giác an tâm nên đã tranh thủ lượng cầu lớn để thoát hàng, khiến cả 2 quay đầu trở lại và đóng cửa trong sắc đỏ. Trong đó, FLC giảm nhẹ 0,4% xuống 4.930 đồng, khớp 18,9 triệu đơn vị, còn HAI giảm 3,5% xuống 2.190 đồng, khớp gần 5,3 triệu đơn vị.
Tích cực nhất là AMD khi chưa bị dính dáng gì tới việc cảnh báo đình chỉ giao dịch, nên đã tăng điểm ngay khi được giao dịch trở lại trong phiên chiều, sau đó cũng được kéo lên mức trần 2.970 đồng, nhưng không giữ được lâu. Đóng cửa, AMD tăng 5% lên 2.920 đồng, khớp 2,47 triệu đơn vị.
Ngoài nhóm FLC, cặp đôi HAG và HNG cũng có giao dịch sôi động hôm nay với lượng khớp lần lượt đạt 12,4 triệu đơn vị và 13,5 triệu đơn vị, trong đó HAG đứng giá tham chiếu 11.650 đồng, còn HNG giảm 1,3% xuống 6.820 đồng.
Khởi sắc nhất hôm nay chính là VCG khi đóng cửa với sắc tím duy nhất trên sàn 68.800 đồng, dù có lúc bị đẩy xuống dưới tham chiếu. Sau nhịp điều chỉnh đầu tháng 8, VGC đã lấy lại nhịp tăng mạnh, vượt qua đỉnh cũ.
Theo nhịp của HOSE, sàn HNX cũng bị đẩy mạnh xuống ngay khi bước vào phiên chiều. Lực cầu trong đợt ATC chỉ giúp chỉ số chính của sàn này tránh khỏi mức thấp nhất ngày khi đóng cửa.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 3,25 điểm (-1,08%), xuống 297,94 điểm với 60 mã tăng, trong khi có 120 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 83,7 triệu đơn vị, giá trị 1.654,7 tỷ đồng, tăng hơn 13% về cả khối lượng và giá trị giao dịch so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5 triệu đơn vị, giá trị 130 tỷ đồng.
Các mã dầu khí đầu ngành trên HNX cũng có mức tăng tốt với PVS tăng 4,3% lên 26.900 đồng, khớp 12,1 triệu đơn vị, đứng đầu sàn. PVC tăng 2,8% lên 18.500 đồng, khớp 1,85 triệu đơn vị…
Các mã có thanh khoản tốt khác trên sàn có sự phân hóa, trong đó SHS khớp 10,69 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 14.700 đồng, APS tăng 2,9% lên 17.800 đồng, khớp hơn 4 triệu đơn vị, HUT tăng 0,4% lên 28.300 đồng, khớp 3,44 triệu đơn vị, thì CEO lại giảm 0,9% xuống 34.300 đồng, khớp 3,93 triệu đơn vị.
UPCoM cũng có cú lao mạnh đầu phiên chiều, nhưng lại hồi khá tốt trong ít phút cuối phiên và đóng cửa chỉ giảm nhẹ.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,08%), xuống 92,77 điểm với 162 mã tăng và 203 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 75,4 triệu đơn vị, giá trị 756,6 tỷ đồng.
Nhóm dầu khi vẫn là nhóm sáng nay trên UPCoM, trong đó PVX và BSR là 2 mã có thanh khoản tốt nhất với 8,56 triệu đơn vị và 7,57 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,5% lên 4.900 đồng và 1,2% lên 24.700 đồng. Mã chứng khoán SBS cũng tăng 3,9% lên 10.600 đồng, khớp 6,66 triệu đơn vị.
Chứng khoán phái sinh hôm nay đồng loạt giảm theo thị trường cơ sở, trong đó hợp đồng đáo hạn tháng 9 giảm 9,5 điểm (-0,74%), xuống 1.281 điểm với 191.505 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 29.768 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, trong đó 2 mã giảm mạnh nhất đều do VCSC phát hành là CMWG2203 giảm 40% xuống 120 đồng và CMBB2203 giảm 30% xuống 70 đồng, thanh khoản không lớn. Trong khi đó, mã tăng mạnh nhất là CVHM2201 do KIS phát hành tăng gấp đôi lên 20 đồng, thanh khoản thấp. Trong phiên hôm nay có 7 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó duy nhất CVHM2210 do KIS phát hành có thanh khoản trên 1,5 triệu đơn vị, đóng cửa giảm nhẹ 3,6% xuống 270 đồng.
Trương Tử Vy – BNSG