Thức ăn nhanh là loại thức ăn được chế biến nhanh, phục vụ nhanh và thưởng thức chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Thậm chí, thức ăn được nấu sẵn và chỉ hâm lại trước khi phục vụ tại chỗ hoặc dễ đóng gói mang đi. Trong những thập kỷ trước, thức ăn nhanh là khái niệm có thể còn xa lạ với nhiều người Việt Nam. Những năm gần đây, thị trường thức ăn nhanh phát triển nhanh chóng với sự có mặt của hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng thế giới cả về đồ ăn lẫn thức uống.
Thức ăn nhanh không hẳn là xấu, nhưng trong nhiều trường hợp, nó được chế biến kỹ lưỡng và chứa một lượng lớn carbohydrate, đường bổ sung, chất béo không lành mạnh và muối, chất bảo quản… và khi tiêu thụ thường xuyên thì lại trở thành “thủ phạm” gây hại sức khỏe của bạn.
Thức ăn nhanh hay chế biến sẵn tiện lợi và nhanh chóng đã chiếm được cảm tình của rất nhiều nhân viên văn phòng và những người mới tập làm bếp. Tuy nhiên, vẫn không nên ăn các món chế biến sẵn trong ba bữa trong thời gian dài. Tiêu thụ nhiều các loại thực phẩm này được cho là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng về các vấn đề về sức khỏe.
Tiêu thụ thức ăn nhanh trong thời gian dài dễ dẫn đến suy dinh dưỡng
Những thực phẩm này thường có hàm lượng calo cao nhưng ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng. Khi thức ăn nhanh thường xuyên thay thế thức ăn bổ dưỡng trong chế độ ăn uống của bạn, nó có thể dẫn đến tình trạng kém dinh dưỡng.
Theo Robert Wood Johnson Foundation, hầu hết mọi người đều đánh giá thấp lượng calo mà họ đang ăn trong một nhà hàng thức ăn nhanh. Một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics cho thấy trẻ em và thanh thiếu niên hấp thụ nhiều calo hơn trong thức ăn nhanh so với thức ăn được chế biến ở nhà. Ăn tại nhà hàng bổ sung từ 160 đến 310 calo mỗi ngày.
Tiêu thụ thức ăn nhanh trong thời gian dài dễ dẫn đến thừa cân, béo phì
Theo thông tin được trình bày tại Hội thảo công bố kết quả Điều tra nghiên cứu “Thực trạng và các yếu tố liên quan tới tiêu thụ thức ăn nhanh ở người 15-25 tuổi ở một số vùng nông thôn và thành thị thuộc Thành phố Hà Nội” cuối năm 2020, thì thói quen ăn uống không lành mạnh, trong đó có xu hướng ngày càng phổ biến là tình trạng tiêu thụ đồ ăn nhanh được xác định là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nhanh tình trạng thừa cân/ béo phì ở trẻ em Việt Nam trong thời gian qua.
Thực tế, đồ ăn nhanh nhiều chất béo, calo và carbs đã qua chế biến hơn mức cơ thể cần trong một bữa ăn khiến bạn nhanh chóng tăng cân và béo phì. Không chỉ gây tăng cân, béo phì, các hệ quả kéo theo do trọng lượng cơ thể tăng còn có thể là gây thêm áp lực cho xương khớp, đặc biệt là hông và đầu gối.
Thường xuyên tiêu thụ đồ ăn nhanh tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính
Cũng theo thông tin được trình bày trong Hội thảo công bố kết quả Điều tra nghiên cứu “Thực trạng và các yếu tố liên quan tới tiêu thụ thức ăn nhanh ở người 15-25 tuổi ở một số vùng nông thôn và thành thị thuộc Thành phố Hà Nội” thì ăn thức ăn nhanh/chế biến sẵn và uống đồ uống đóng chai nhiều sẽ khiến tăng lượng năng lượng ăn vào nhưng lại thiếu chất xơ và các vi chất (năng lượng rỗng). Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới tích lũy mỡ trong cơ thể, gây thừa cân, béo phì.
Thừa cân, béo phì cũng có thể là nguyên nhân gây ra hàng loạt các hậu quả mạn tính về sức khỏe như rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, ung thư, tăng huyết áp và các bệnh tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Người thừa cân, béo phì có tỷ lệ tử vong cao hơn những người có cân nặng bình thường khoảng 20%. Lượng muối khá cao trong các loại thức ăn nhanh/chế biến sẵn cùng với tình trạng thừa cân sẽ gây hậu quả kép lên tình trạng tăng huyết áp và các bệnh tim mạch.
Tiêu thụ nhiều đồ ăn nhanh khiến da nhanh lão hóa
Thức ăn nhanh chứa rất nhiều những thành phần không tốt cho da. Cụ thể: Đường có thể làm giảm mức độ collagen và dẫn đến các dấu hiệu lão hóa sớm như nếp nhăn; Muối khiến cơ thể giữ nước gây ra bọng dưới mắt; Lượng chất béo bão hòa cao kích hoạt các hormone gây ra mụn trứng cá.
Ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn có thể gây hại cho não nhanh hơn
Một nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị Quốc tế Hiệp hội Bệnh Alzheimer, ngày 1/8, cho biết, thực phẩm như mì ăn liền, đồ uống có đường và đồ đông lạnh đều có thể làm tăng tốc độ suy giảm nhận thức nhanh hơn.
Nghiên cứu đã được thực hiện bằng cách kiểm tra chế độ ăn uống và nhận thức của hơn 10.000 người trung niên (cả nam giới và phụ nữ) ở Brazil trong 10 năm. Kết quả là, những người trưởng thành tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn có khả năng lập kế hoạch, thực hiện và hành động suy giảm nhanh hơn 25% so với những người tiêu thụ ít thực phẩm chế biến sẵn.
Còn trong một nghiên cứu khác gần đây được công bố bởi Học viện Thần kinh Hoa Kỳ trên Science News cho thấy những người tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến cực nhanh có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn.
Claudia Suemoto, một tác giả của nghiên cứu cho biết: “Không phụ thuộc vào lượng calo, không phụ thuộc vào lượng thực phẩm lành mạnh mà bạn cố gắng ăn, thực phẩm chế biến quá kỹ sẽ không tốt cho nhận thức của bạn”.
Làm sao để cân bằng dinh dưỡng?
- Chú ý đến sự kết hợp của các món mặn: Khi chọn món ăn, cố gắng chọn các món ăn có thịt và rau, đặc biệt là có rau lá xanh.
- Tránh chế độ nấu ăn nhiều dầu: Cố gắng tránh các món ăn chiên hay xào với nhiều dầu mỡ, nên chọn các món hấp luộc để tránh bị ảnh hưởng nặng nề bởi muối và chất béo.
- Theo dõi bảng thành phần dinh dưỡng của thực phẩm: Hãy xem xét hàm lượng chất béo và natri trên bảng thành phần dinh dưỡng, nên chọn thực phẩm có hàm lượng 2 nguyên liệu này tương đối thấp. Hàm lượng muối và natri khuyến nghị cho người Việt Nam là dưới 5g muối, tương đương dưới 2g natri một ngày.
Trương Tử Vy – BNSG