Gần 15 năm kinh nghiệm trong nghề bếp, ít ai biết được để có những thành quả như ngày hôm nay, đầu bếp Nguyễn Văn Thông đã từng trải qua quãng thời gian vô cùng khó khăn trong quá khứ. Nghề bếp đến với anh một cách tình cờ và cũng từ đó mở ra bước ngoặt mới trong cuộc đời của anh.
Cơ duyên đến với nghề bếp
Xuất thân trong một gia đình nghèo, đông anh chị em tại một thôn nhỏ ở vùng đất Thanh Hóa, từ bé anh đã phải làm hết tất cả các công việc trong nhà để người lớn yên tâm lo công việc đồng áng. Cũng bởi có cơ hội được trải nghiệm với các công việc bếp núc, nấu cơm từ sớm nên trong anh đã bắt đầu nhen nhóm lên ngọn lửa đam mê với công việc này.
Đến tuổi trưởng thành, cũng như bao thanh niên khác trong vùng, anh tình nguyện đăng kí được đi nghĩa vụ quân sự. Và cũng từ đây mà anh đã có được cơ hội hiểu thêm về công việc thực sự của một người đầu bếp là như thế nào. Anh được phân công vào bộ phận hậu cần và chỉ sau một tháng đào tạo huấn luyện, anh chính thức được trao cơ hội trở thành người nấu ăn chính cho các anh em, trở thành một “Anh nuôi đích thực” trong doanh trại.
Tuy đam mê, yêu thích với công việc làm bếp là vậy nhưng khi xuất ngũ anh lại chọn rẽ hướng sang ngành trang trí nội thất để có thể có công việc ổn định và phụ giúp cho gia đình. Sau 6 tháng theo với công việc này, anh đã quyết tâm từ bỏ để chạy theo niềm đam mê được làm bếp của mình. Anh Thông xin vào làm việc tại một xưởng đóng tàu và được chọn vào vị trí nấu ăn, chăm lo cho các anh em trong xướng. Đây cũng chính là công việc giúp anh kiếm ra thu nhập để ban ngày làm việc, ban đêm theo đuổi ước mơ làm một đầu bếp chuyên nghiệp tại trường Trung cấp du lịch và khách sạn Saigontourist.
(Đầu bếp Nguyễn Văn Thông)
Đem cái tâm đặt vào trong từng món ăn
Sau khi tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành bếp Việt và bếp Á, anh được giới thiệu vào làm việc tại nhà hàng Yến Sào Khánh Hòa TPHCM. Cho đến thời điểm hiện tại, anh đã giữ vị trí bếp trưởng tại đây từ năm 2010.
Trong suốt sự nghiệp, anh Thông luôn coi chữ “tâm” như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để có thể ngày một hoàn thiện bản thân. Để làm ra một món ăn ngon, tốt cho sức khỏe đòi hỏi người đầu bếp phải có kiến thức, kĩ năng và hơn cả đó là tình cảm đặt vào chính món ăn đó. Có như vậy thì mới duy trì được ngọn lửa nhiệt huyết, niềm đam mê đối với công việc này. Anh Thông chia sẻ rằng: “Chính sự hài lòng, trân trọng những món ăn của thực khách là động lực lớn nhất để anh không ngừng phấn đấu, học hỏi, sáng tạo hơn trong công việc này”..
(Chữ “tâm” là thứ đầu bếp Nguyễn Văn Thông luôn đặt lên hàng đầu)
Truyền lửa cho các thế hệ sau
Không chỉ dừng lại ở việc làm bếp, anh Thông cũng rất chú trọng trong việc đào tạo ra những lớp đàn em kế cận mình trong tương lai. Anh hiện đang là giảng viên tại học viện ẩm thực Pháp – Việt. Anh quan niệm rằng mình đã có được những thành tựu nhất định đối với ngành nghề này, chính vì thế cần phải lan tỏa nó để giúp cho các bạn trẻ có được cơ hội tìm thấy bản thân và sống hết mình với nghề làm bếp.
Anh Thông luôn động viên các bạn học viên trẻ: “Nghề bếp vốn là công việc vô cùng khó khăn và cực kì vất vả. Tuy nhiên, ngày nay đây là công việc mang lại rất nhiều giá trị và rất được thị trường quan tâm. Chính vì thế, chỉ cần các bạn nỗ lực, có niềm tin và hết mình với nó, chắc chắn nghề bếp sẽ đem lại thành công cho những ai luôn tin tưởng và đi trên con đường này”.
(Đầu bếp Nguyễn Văn Thông bên cạnh các học viên của mình)
Đến nay, anh Thông đã có cho riêng mình 2 nhà hàng và 1 tiệm bánh. Anh hiện cũng đang là chủ sở hữu của công ty xuất nhập khẩu Thái An. Trong tương lai, hi vọng đầu bếp Nguyễn Văn Thông sẽ ngày một thành công hơn nữa để có thể đưa hình ảnh món ăn Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
BẢO NGỌC SG