Phong Trần – Chàng bếp nghèo nơi đại ngàn Tây Nguyên ước mơ mang ẩm thực phố núi đi khắp đất nước

Phong Trần – đúng với cái tên mà đầu bếp Phan Hiền đặc biệt lấy làm nghệ danh, quãng đường anh đến với nghề bếp cũng đặc biệt gian truân vất vả như vậy. Đầu bếp Phong Trần tên thật là Phan Hiền, được sinh ra và lớn lên ở vùng cao nguyên Đắk Lak, nơi không chỉ nổi tiếng về cà phê và cao su mà còn có một kho tàng ẩm thực vô cùng đặc sắc và độc đáo.

Đầu bếp Phong Trần

Khi được hỏi đến tên nghệ danh của anh, anh rất tự hào chia sẻ Phong Trần là cái tên anh được cô giáo dạy nghề bếp của anh ở Huế đặt cho. Vì ngay từ lần đầu tiên cô gặp anh, cô đã nói quãng đường đi để thực hiện ước mơ của anh rất phong ba bão táp, sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn, cái tên Phong Trần là để luôn nhắc nhở anh về những thử thách này, tuy Phong Trần nhưng tâm hồn luôn lạc quan và có niềm tin vào sự lựa chọn của bản thân. Từ đây, cái tên Phong Trần đã theo chân anh rong ruổi khắp mọi miền đất nước, đem ẩm thực quê nhà Tây Nguyên phổ rộng đến với người dân đất Việt

Phong Trần

Từ nhỏ anh đã có niềm yêu thích với nấu nướng, kể cả những buổi học ngoại khoá trên trường, hễ có tổ chức nấu ăn là sẽ có mặt đầu bếp Phong Trần, những hội thảo, buổi học chuyên đề về nấu ăn anh đều không vắng mặt, luôn tham gia đầy đủ các học lớp năng khiếu ẩm thực trẻ tài năng. Niềm đam mê đó bộc lộ từ nhỏ là nhờ mẹ anh, với anh, mẹ chính là người truyền cảm hứng cho anh trên con đường theo đuổi nghề bếp.Đầu bếp Phong Trần công diễn món ăn Nhờ những bữa cơm gia đình mỗi buổi chiều tối do chính tay mẹ nấu, những món ăn chỉ có rau xào tóp mỡ, mỡ heo chưng mắm hành, canh khoai mì hầm nhừ với mỡ heo, tuy đơn giản nhưng đó là cả tình yêu thương của mẹ, tình yêu thương gắn kết của cả gia đình, vì vậy, anh cảm nhận được nghề bếp cho anh được sống là chính anh, được gắn kết, được yêu thương.

Thời điểm đó, cuộc sống khó khăn gia đình khó khăn, đầu bếp Phong Trần phải vừa học vừa đi làm phụ giúp gia đình, ước mơ nhen nhóm từ nhỏ những tưởng bị lụi tắt vì mẹ chẳng có tiền để cho anh theo học ở các trường dạy ẩm thực, anh đành phải tạm gác lại ước mơ, đi làm phụ việc sửa xe ô tô cùng anh trai.

Đầu bếp Phong Trần công diễn món ăn Tây Nguyên

Nhưng ông trời không phụ lòng người, một ngày đầu năm của năm 2008, bạn của anh trai anh đang là một đầu bếp đến chơi nhà và nói rằng đang cần tuyển một phụ bếp, đầu bếp Phong Trần liền biết đây chính là cơ hội duy nhất để anh có thể tiếp tục ước mơ, vì vậy anh nói với anh trai cho anh qua đấy đi học nghề, anh muốn nấu ăn. Anh gọi về cho mẹ và bày tỏ suy nghĩ của mình, xin phép mẹ cho anh đi học, rất may mắn, mẹ anh đều hiểu và thông cảm, bà cũng đã động viên, ủng hộ anh rất nhiều, nhờ đó, anh có nhiều hơn dũng khí để bắt đầu chinh phục con đường nghề bếp của mình. Người thầy đầu tiên trong ngành dạy dỗ anh là thầy Trình Văn Tuấn, sau vài câu chuyện chia sẻ, thầy đã đồng ý nhận anh học việc và bắt đầu công việc phụ bếp của mình.

Kể từ đấy mọi khó khăn càng nhiều hơn với đầu bếp Phong Trần, anh vừa phải tự lập, vừa học vừa làm, cuộc sống không có người thân bên cạnh động viên hay ủng hộ. Hiểu được những khó khăn đó, thầy luôn quan tâm tới anh, thầy Tuấn không chỉ dạy anh về nấu nướng, kiến thức về ẩm thực mà thầy còn nhắc nhở anh mỗi ngày rằng phải luôn cố gắng và không bỏ cuộc. Chàng trai trẻ đã được thầy nâng đỡ, dìu dắt rất nhiều, anh được rèn luyện từ cách ăn nói, cách ứng xử với mọi người sao cho đúng chừng mực, quan sát thế nào để tối ưu hóa được lượng kiến thức mà anh cần tiếp thu.Đầu bếp Phong Trần 4

Sau khi hoàn thành xong mọi ngón nghề được thầy Tuấn chỉ bảo, chàng bếp phố núi bắt đầu rong ruổi các tỉnh thành Đà Nẵng, Nha Trang, Hà Nội, Phú Quốc, Sài Gòn. Cái duyên nghề nghiệp đưa Phong Trần tới Huế, gặp gỡ cô giáo người dạy cho mình với bao kiến thức hay, cô cho anh sự ấm áp của một người thầy, một người mẹ và cô cũng là người yêu thương đặt cho anh cái tên nghệ danh “Phong Trần”.

Đầu bếp Phong Trần cùng đồng nghiệp

Cuộc phiêu lưu của chàng trai trẻ kết thúc vào năm 2019, đây là lúc chàng bếp quyết định về Tây Nguyên lập nghiệp, học hỏi và phát triển ẩm thực quê nhà. Nhắc đến Tây Nguyên, người ta biết không chỉ riêng về cà phê hay các loại trái cây như sầu riêng, bơ mà nơi đây còn có văn hoá và ẩm thực núi rừng đặc sắc. Những món ăn ngon, lạ, độc đáo của các anh em đồng bào dân tộc trên mảnh đất Tây Nguyên luôn có một sức hút đặc biệt đối với anh. Các món dân dã như gà nướng muối ớt xanh, cơm lam, đặc trưng các món về cà đắng của người đồng bào dân tộc Ê-đê như Cà đắng dã muối ớt xanh cá cơm khô, các món đặc sản về cá lăng sông Sêrêpốk khu vực Tây nguyên đều được anh tận tâm học hỏi và tích lũy kiến thức từ chính những người dân tộc Tây Nguyên, được họ truyền lại những bí kíp, cách thức chế biến như thế nào dù để lâu nhưng món ăn vẫn giữ vẹn nguyên được màu sắc, hương vị của nó.

Đầu bếp Phong Trần công diễn món ăn

Mặc dù lui về vùng núi, nhưng các cuộc thi nghề bếp, giao lưu ẩm thực nghề bếp tại các tỉnh khác anh cũng tích cực tham gia để học hỏi thêm về ẩm thực, đồng thời hiện nay anh cũng là thành viên Hiệp hội Văn hoá Ẩm thực Việt Nam, thành viên CLB bếp Tây Nguyên, được các anh em tin tưởng giao phó làm đầu bếp đại diện của tỉnh nhà Đắk Lắk đi tham gia các cuộc thi hay giao lưu ngành bếp. Với đầu bếp Phong Trần, việc cố gắng phát triển ẩm thực truyền thống của các anh em dân tộc Tây Nguyên, đưa giá trị ẩm thực lên tầm cao mới là rất quang trọng.

Hiện tại, đầu bếp Phong Trần đang đảm nhiệm vị trí bếp trưởng tại nhà hàng Ẩm thực Long Cô Cô (Đăk Lăk). Ở nơi đây, anh có cơ hội được chia sẻ, dạy nghề cho các bạn phụ bếp học việc tại nhà hàng, giúp các bạn có nghề nghiệp ổn định và đi setup vận hành chuyển giao các mô hình quán ăn, nhà hàng mang đặc trưng và phong cách của các món ăn truyền thống Tây Nguyên. Anh Phong Trần cũng đang nghiên cứu và phát triển thêm các món ăn đặc sản như bò 1 nắng hong khói mang phong vị núi rừng, món ăn được tẩm ướp các loại gia vị riêng biệt duy chỉ núi rừng Tây Nguyên mới có, phát triển thêm các món mới lạ nhưng vẫn mang nét truyền thống, phong vị của nơi đại ngàn Tây Nguyên.

Đầu bếp Phong Trần công diễn món ăn

Với anh Phong Trần, khi còn đang tuổi trẻ thanh xuân, bản thân mình phải luôn cố gắng hết sức, làm tất cả những gì mình có thể làm được, đừng dừng lại, đừng để bản thân sau này phải hối tiếc tất cả điều gì. Trong tương lai, anh có kế hoạch đưa những món ăn dân tộc ở quê hương phổ biến rộng khắp các nơi trên đất nước, mang phong vị rừng núi bạt ngàn len lỏi đến tỉnh thành, để khi đi tới đâu, mỗi lần nhắc đến Tây Nguyên, người ta sẽ biết đồ ăn ở nơi đây ngon lắm, phong cảnh đẹp lắm và con người dễ mến lắm. Chúc cho anh trong tương lai có thể tiến xa hơn nữa, và cống hiến hết mình để làm tỏa sáng hơn tinh hoa văn hóa ẩm thực của quê nhà.

Nam Lộc