Thêm nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online ở nhiều địa phương kể lại “đoạn trường” đi xin xác nhận cư trú. Đồng thời kiến nghị tiếp tục dùng sổ hộ khẩu cho đến khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đồng bộ đầy đủ.
Bạn đọc Lê Ngọc Hải bức xúc kể: “Hộ khẩu thường trú của tôi là quốc lộ 13, P.Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức. Tôi đã chuyển về P.Long Thạnh Mỹ được 6 tháng và cho con nhập học lớp 5 ở đây. Vừa rồi tôi có đi xin giấy xác nhận tạm trú cho con để nộp cho trường xác nhận tuyến học cấp 2.
Tôi ra phường để xin giấy xác nhận tạm trú. Được hướng dẫn lên cổng thông tin dịch vụ công của quốc gia để khai báo, tôi mất cả buổi sáng mà không thể nộp hồ sơ được vì rất nhiều lý do: tạo tài khoản, xác nhận OTP, mạng chậm, cổng thông tin nghẽn mạng, hồ sơ lúc load được lúc không, khai xong bấm nút nộp thì hệ thống báo lỗi!
Mất cả buổi sáng ức chế vẫn phải đi về vì chiều phải đi làm. Ba ngày sau tôi ra ngồi khai trên máy tính của cán bộ phường để nếu có trục trặc thì họ sẽ hỗ trợ tôi. Đến khi có trục trặc thì họ cũng không biết là trục trặc gì, sửa như thế nào, tôi lại tiếp tục mất thêm một buổi sáng. Cuối cùng họ nhận hồ sơ giấy của tôi, thu phí 50.000 đồng và kêu tôi ra về mà không có hẹn ngày nào lên trả kết quả.
Một tuần sau, tôi quay lại kiểm tra thì họ nói là chưa có, bảo tôi về lên hệ thống theo dõi. Năm ngày sau tôi mới nhận được kết quả xác nhận tạm trú cho tôi và con tôi. Chúng tôi rất ức chế với thủ tục hành dân kiểu này lắm rồi!”.
Thí điểm rồi vẫn không đồng bộ: chuyển đổi số kỳ vậy!
Để sinh ra “giấy phép con” xác nhận cư trú vì dữ liệu khai thác từ căn cước công dân gắn chip không đồng nhất ở từng địa phương, theo bạn đọc HB là thể hiện sự thất bại trong chuyển đổi số.
Trong khi đó, bạn đọc Khai Phong đặt ra nhiều câu hỏi: “Điều hành quản lý như thế nào mà luôn xảy ra một đặc điểm chung đó là… không đạt được sự đồng bộ, cho dù luôn có thí điểm trước đó? Tại sao không kiểm định cơ sở dữ liệu trước? Một khi chính xác rồi mới thu hồi sổ hộ khẩu và khi thu hồi hộ khẩu phải cấp cho người dân giấy xác nhận cư trú luôn chứ!”.
Nên tiếp tục dùng sổ hộ khẩu?
Từ cách làm “chữa cháy” để giải bài toán xác nhận cư trú nhiêu khê của TP Hà Nội, nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online đề xuất nên cho tiếp tục dùng sổ hộ khẩu cho đến khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được cập nhật đầy đủ.
Bạn đọc Lan Anh có ý kiến: “Sổ hộ khẩu giấy xác nhận và hiển thị thông tin cư trú, quan hệ hộ gia đình, tình trạng hôn nhân… của người dân, trong khi căn cước công dân gắn chip cũng chưa làm được điều này vì chưa có khả năng/giao diện hiển thị thông tin xác nhận”.
Vì thế, bạn đọc Kim cho rằng: “Vậy khi chưa hoàn thiện hệ thống dữ liệu dân cư sao không tiếp tục dùng sổ hộ khẩu để đỡ rắc rối mỗi khi cần xác nhận nơi thường trú… Khi nào hoàn thiện chuyển đổi dữ liệu rồi cũng không cần thu lại sổ hộ khẩu vì lúc đó nó cũng chỉ là giấy tờ làm kỷ niệm thôi”.
Theo bạn đọc Thanh, “nên cho sử dụng hộ khẩu giấy trở lại, khi nào cơ sở dữ liệu đồng bộ thì dùng căn cước công dân gắn chip”. Bạn đọc Dung cũng cho hay: “Cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ thì vẫn sử dụng hộ khẩu đi, khi nào hoàn chỉnh thì bỏ vẫn chưa muộn”.
“Không riêng gì ở Hà Nội, tôi sống tại thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng cũng rõ khổ với giấy xác nhận cư trú: tốn thời gian, công sức, tiền bạc… Nếu dự liệu từ căn cước công dân gắn chip chưa sử dụng được thì không nên thu sổ hộ khẩu mà cho dùng tiếp” – bạn đọc Thành Nguyễn bổ sung.
Đồng tình, bạn đọc Sarah Huynh cho rằng: “Theo tôi, khi chúng ta chưa sẵn sàng thì nên cho người dân tiếp tục dùng sổ hộ khẩu để họ sử dụng làm các thủ tục giấy tờ. Khi nào Bộ Công an đã giải quyết hết mọi bất cập và vướng mắc thì hãy bỏ hẳn sổ hộ khẩu vẫn không ảnh hưởng gì cả”.
Theo Tuổi Trẻ