Theo đó, việc chuẩn hóa được thực hiện theo khoản 8 Điều 1 của Nghị định 49 về lĩnh vực viễn thông di động. Các số điện thoại có thông tin chưa chuẩn, chưa trùng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ nhận được thông báo từ nhà mạng.
Nhà mạng sẽ gửi tin nhắn liên tục trong ít nhất năm ngày, mỗi ngày ít nhất một lần để yêu cầu cập nhật dữ liệu. Thuê bao bị dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày nhận thông báo, dừng hai chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày tiếp theo. 30 ngày sau đó, thuê bao không cập nhật sẽ bị chấm dứt hợp đồng.
Theo ông Nhã, việc thông báo sẽ được thực hiện đồng loạt từ 15/3. Như vậy đến ngày 31/3, thuê bao không chuẩn hóa thông tin sẽ bị khóa một chiều. “Đây là mục tiêu thách thức, nhưng các nhà mạng đã chung tay và quyết liệt đưa ra giải pháp”, đại diện Cục Viễn thông nói.
Người dùng mua lại SIM đã đăng ký chính chủ và sử dụng nhiều năm. Nay muốn đi đăng ký lại có cần người chủ cũ xác nhận?
– Theo quy định của pháp luật, khi thay đổi toàn bộ thông tin thuê bao thì phải có thủ tục chuyển quyền sử dụng giữa chủ cũ và chủ mới.
Hiện các nhà mạng đang tạo điều kiện cho khách hàng đăng ký lại thông qua các biện pháp chứng minh, cam kết chính chủ đang sử dụng số điện thoại đó.
Đối với các thuê bao di động do cha mẹ đứng tên cho con (do con chưa có CCCD) nhưng trên khai báo y tế của con lại có số điện thoại này, nghĩa là số điện thoại không trùng khớp với tên thì có bị chặn chiều gọi, thu hồi lại số không?
– Đối với các trường hợp cha mẹ đứng tên thuê bao di động cho con thì khi so sánh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn là kiểm tra thông tin thuê bao của cha mẹ. Nếu thông tin trùng khớp thì sẽ không nằm trong diện bị khóa thuê bao, thu hồi số.
Thuê bao di động như thế nào là trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư?
– Những thuê bao di động đáp ứng được 3 trường thông tin gồm: số giấy tờ, họ tên, ngày sinh trùng với dữ liệu tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là những thuê bao đã được chuẩn hóa, không cần phải bổ sung, điều chỉnh.
Các thuê bao có thông tin chưa trùng khớp sẽ nhận được thông báo từ các nhà mạng và cần thực hiện chuẩn hóa lại thông tin trước 31-3-2023.
Hướng dẫn kiểm tra sim điện thoại có bị khoá không
Theo quy định tại Nghị định 49, nếu thuê bao nào có thông tin không trùng khớp sẽ nhận được tin nhắn thông báo của các nhà mạng yêu cầu cá nhân cập nhật thông tin cho sim. Do đó, có thể kiểm tra việc sim mình có thông tin không đúng hoặc có thể bị khoá bằng các cách sau đây:
– Nhận được tin nhắn của nhà mạng.
– Gửi tin nhắn đến tổng đài 1414 (miễn phí cước tin nhắn) theo cấu trúc: tttb và gửi 1414. Sau khi tổng đài nhận được yêu cầu thì sẽ trả về tin nhắn có đầy đủ thông tin của Sim điện thoại gửi tin nhắn: Họ tên, ngày sinh, số Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân, nơi cấp, ngày cấp…
Nếu thông tin này trùng khớp với thông tin của chủ sim điện thoại thì đồng nghĩa người dùng không cần phải làm gì. Nhưng nếu không trùng, sim của bạn có thể sẽ bị khoá. Do đó, bạn cần phải đi cập nhật ngay thông tin cá nhân của mình.
Tuỳ vào từng mạng, người dùng có thể chuẩn hoá thông tin như sau:
Cách 1: Thông qua ứng dụng
Bước 1: Tải ứng dụng My Viettel (với mạng Viettel), My MobiFone (với mạng mobifone) hoặc My VNPT (với mạng Vinaphone) trên Chplay hoặc Appstore.
Bước 2: Đăng ký tài khoản bằng số điện thoại cần chuẩn hoá thông tin theo hướng dẫn của các ứng dụng nêu trên.
Bước 3: Sau khi đã có tài khoản, người dùng vào mục “Khác” và chọn “Thông tin khách hàng”. Sau đó thực hiện xác nhận bổ sung thông tin theo các bước hướng dẫn của ứng dụng.
Cách 2: Cập nhật thông tin trực tiếp
Bên cạnh việc cập nhật online qua ứng dụng thì người dùng điện thoại có thể trực tiếp đến điểm giao dịch của Viettel, Mobifone hoặc Vinaphone, mang theo Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân để nhân viên tại các điểm giao dịch thực hiện đăng ký/bổ sung/xác nhận lại thông tin.
Ngoài ra, khách hàng có thể liên hệ tổng đài hỗ trợ và giải đáp các thông tin miễn phí của các nhà mạng: Viettel: 1800.8098; Mobifone là 1800.1090, Vinaphone là 1800.1091.
Bảo Ngọc SG