Ngày nay trong các đám hỏi, đám cưới, chúng ta có thể thấy được ngoài những mâm trầu cau mang ý nghĩa truyền thống của các đôi trai gái, thì còn có sự góp mặt của những tráp rồng, tráp phượng được làm từ trái cây, rau củ quả cực kì đẹp mắt và tinh tế. Để có thể làm nên được những tráp rồng phượng này, ngoài việc có mắt thẩm mỹ, nghệ nhân làm ra cũng cần phải có sự khéo léo và uyển chuyển trong tay nghề. Hãy cùng gặp gỡ chân dung của nghệ nhân Đông Phạm, một chàng trai còn khá trẻ nhưng đã có những thành tích đáng nể trong bộ môn nghệ thuật điêu khắc này.
Xuất phát điểm là một chàng phụ bếp của một resort ở Phan Thiết, Bình Thuận, anh Phạm Văn Đông hay thường gọi với cái tên Đông Phạm Carving hay nghệ nhân Đông Phạm đã nhận ra những món ăn được trang trí khá đơn giản, anh cảm thấy nên có những điểm nhấn đẹp mắt hơn và bắt đầu tìm học những kĩ năng cắt tỉa rau củ quả thông qua mạng xã hội và các video trên Youtube. Từ những trái ớt được tỉa hoa, trái cà chua cắt lát mỏng làm hoa hồng cho đến cách trang trí dưa leo tạo hình, anh ngày một tiến bộ hơn trong bộ môn này. Kĩ năng tay nghề càng lên cao khi anh vào Sài Gòn và học thêm những khóa điêu khắc trái cây cao cấp. Từ đây, nhiều tác phẩm nghệ thuật hơn được ra đời và được chăm chút dưới bàn tay khéo léo của anh.
Anh nhớ lại lúc mới bắt đầu tự học về điêu khắc rau củ trang trí món ăn, nghệ nhân Đông Phạm có tỉa một vài bông hoa từ cà rốt, bí đỏ và tạo hình tỉa hoa trên dưa hấu trang trí trong một buổi tiệc buffet cho khách du lịch nước ngoài ở Resort Phan Thiết. Các du khách đó đã khen rất nhiều và rất thích tác phẩm trang trí của anh. “Họ có xin được chụp hình chung với tôi cùng tác phẩm. Lúc đó tôi rất vui, đó là tác phẩm đầu tay tôi tự học và trang trí lên và không ngờ rằng được mọi người thích đến vậy”. Những lời khen đó là động lực để anh tiếp tục theo đuổi với nghề.
Anh chia sẻ “Điều may mắn nhất với tôi từ khi bắt đầu làm bếp tới nay là tôi luôn được yêu thương, hỗ trợ và giúp đỡ rất nhiều nên những khó khăn trong nghề cũng không nhiều”. Biết ơn những yêu thương đó, anh luôn chia sẻ những kiến thức mình có được lên mạng xã hội cho các chị em phụ nữ làm nội trợ, rất nhiều người thích các tác phẩm của anh và hỏi anh có dạy học không để họ đăng ký học. Vì cùng đam mê với nhau, nên anh có mở lớp dạy điêu khắc tại nhà. Khi thu nhập khá hơn, anh nghỉ làm tại nhà hàng và chuyển sang mở lớp làm giảng viên dạy bộ môn điêu khắc rau củ quả.
Song song với việc dạy học, anh có tìm hiểu thêm về bộ môn kết tráp rồng phượng, mâm quả cưới vì nó có sự tương đồng, ứng dụng từ bộ môn điêu khắc rau củ quả sang tạo hình kết tráp rồng phụng và trái cây. Anh học thêm và học nhiều hơn, kĩ năng không chỉ dừng lại mà còn phát triển nhiều hơn. Những tác phẩm rồng phượng của anh luôn có những đặc điểm riêng chỉ anh mới có, sự phối hợp của màu sắc của trái cây trên mình của từng con rồng, những chiếc đuôi màu sặc sỡ của con phượng tạo nên sự linh động và có hồn của từng con vật. Những chi tiết nhỏ được anh chăm chút và tỉ mẩn tạo hình nên những tác phẩm của anh lúc nào cũng hoàn thiện chu đáo.
Bộ môn nghệ thuật điêu khắc rau củ quả và kết tráp rồng phượng này không chỉ đem lại cho anh nguồn thu nhập cao, mà còn giúp anh có cơ hội được vươn ra biển lớn đến với những cuộc thi quốc tế, đem tinh túy của ẩm thực Việt Nam quảng bá đến nước bạn. Khi có cơ hội được tham gia các cuộc thi này, anh đã rất hồi hộp nhưng cũng không quên chuyên tâm luyện tập kĩ thuật và tốc độ. Anh chia sẻ cảm nhận “Tôi rất hào hứng khi được so tài năng cùng các đội thi đến từ các nước bạn vì họ rất giỏi, nhỡ đâu tôi có thể học hỏi thêm được nhiều thứ từ họ”. Anh hi vọng, trong tương lai, anh có thể làm tốt hơn nữa để có thể quảng bá nghệ thuật kết tráp rồng phượng phổ biến hơn đến các nước bạn, giúp cho bộ môn và những anh em cùng theo nghề này có cơ hội được thể hiện tài năng của mình, góp sức làm dồi dào, phong phú tinh hoa văn hóa Việt Nam.