TP.HCM đã có văn báo cáo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế). Cục này đã đề nghị các cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở nhập khẩu thuốc tăng cường nghiên cứu, sản xuất, tìm nguồn cung ứng và nhập khẩu thuốc vitamin A.
Theo quy định, từ năm 2023, các tỉnh thành phải chủ động xây dựng kế hoạch mua vitamin A (cũng như vắc xin và nhiều vật tư, thuốc vốn nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia do Bộ Y tế mua trước đây) từ nguồn kinh phí địa phương/các chương trình mục tiêu quốc gia đã được phân bổ cho địa phương. Các địa phương loay hoay vì đấu thầu những mặt hàng đặc thù như thế này không dễ, nhưng khó khăn hơn nữa là không tìm đâu ra hàng.
Tình trạng đến “chiến dịch” mà không có vitamin A liều cao cho trẻ uống đã xảy ra những năm trước. Gần nhất là trong chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao ngày 1 và 2-12-2022, TP.HCM phải thông báo tạm hoãn toàn thành phố vì chưa nhận được nguồn thuốc từ Viện Dinh dưỡng. Sau hơn 1 tuần thì TP mới nhận được thuốc.Đại diện một tỉnh phía Bắc khác lo lắng chiến dịch đã sắp đến nơi mà kho của họ hầu như trống rỗng, không có vitamin A liều cao. “Có chăng chỉ là một số lượng nhỏ do giảm được tỉ lệ hao hụt ở các đợt uống trước đây, trong khi tỉnh chúng tôi có đến 100.000 trẻ trong độ tuổi này” – ông cho biết.
Tại Cần Thơ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết hiện thành phố đã hết nguồn cung cấp vitamin A cho các trạm y tế. Trung tâm nhận được công văn từ Cục Quản lý dược vào cuối tháng 4 vừa qua, yêu cầu các địa phương tự tìm nguồn mua vitamin A. Tuy nhiên hiện nay đang rất lúng túng, chưa biết mua ở đâu và quy trình mua sắm thế nào vì từ trước đến nay đều nhận phân bổ từ trung ương.
Trung tâm cũng đang làm công văn gửi xin ý kiến Bộ Y tế và tham khảo từ các địa phương khác để tìm nguồn cung, nhưng do thời gian cập rập, trung tâm lo lắng có khả năng vào đợt uống bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ vào 1-6 sắp tới sẽ không có nguồn vitamin A cung cấp cho các trạm y tế.
Khi thiếu vitamin A, sản xuất các niêm mạc giảm, tế bào bị khô và xuất hiện sừng hóa. Biểu hiện này thường thấy ở mắt bắt đầu là khô kết mạc, sau đó tổn thương đến giác mạc và có thể gây loét, mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.
Không những thế, vitamin A còn tham gia quá trình đáp ứng miễn dịch của cơ thể, làm tăng kháng thể chống lại bệnh tật. Thiếu vitamin A, trẻ dễ bị mắc bệnh nhiễm khuẩn và khi mắc bệnh thì thời gian điều trị kéo dài và tăng nguy cơ tử vong.
Vitamin A còn có vai trò trong sự tăng trưởng, giúp trẻ phát triển bình thường. Còn thiếu sẽ làm trẻ chậm lớn.
Bảo Ngọc SG