Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), hầu hết các lương thực chính của thế giới như gạo, ngũ cốc, cây lấy dầu, sữa, đường, thịt, cá và các sản phẩm thủy sản… có khả năng tăng sản lượng trong năm 2023.
Tuy nhiên, giá lương thực thực phẩm nói chung đều tăng so với năm ngoái. Giá cao có thể là một yếu tố dẫn đến tình trạng thiếu đói cấp tính trên toàn cầu. Không giống như trước đây, thiếu đói cấp tính trên thế giới hiện nay chủ yếu do người dân không đủ khả năng chi trả chứ không phải do thiếu nguồn cung.
Lạm phát giá lương thực
Báo cáo của Hội đồng Ngũ cốc quốc tế về tình hình sản xuất ngũ cốc toàn cầu năm 2023-2024 công bố vào tháng 5-2023 dự báo thế giới sản xuất được 2.292 tỉ tấn ngũ cốc trong mùa vụ năm 2023-2024. Con số dự báo này chỉ thấp hơn một chút so với mức sản lượng kỷ lục ghi nhận trong mùa vụ năm 2021-2022, khi thế giới sản xuất được 2.295 tỉ tấn ngũ cốc.
Theo FAO, sản lượng ngũ cốc toàn cầu dự báo sẽ tăng 3% năm 2023, lên 1.513 triệu tấn – một kỷ lục mới, chủ yếu do sản lượng bắp (ngô) sẽ tăng đáng kể ở Mỹ và Brazil. Sản lượng lúa mì toàn cầu có thể giảm so với mùa trước do thời tiết khô hạn ở Mỹ và Nga, trong khi sản lượng lúa và đậu nành có thể giảm nhẹ.
Mặc dù triển vọng chung về lương thực là tích cực, nền nông sản toàn cầu lại dễ bị tổn thương trước những cú sốc, dù là do thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, căng thẳng địa chính trị, thay đổi chính sách hay diễn biến ở các thị trường hàng hóa khác. Điều này khiến giá lương thực tăng cao với ví dụ gần nhất là giá gạo đã vụt lên sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng thường.
Theo báo cáo đến 31-7 của Ngân hàng Thế giới, giá thực phẩm đang đứng ở mức cao trên khắp thế giới, đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trong số 166 quốc gia được thống kê, hơn 80% chứng kiến lạm phát giá lương thực cao hơn lạm phát chung.
Sản lượng gạo năm nay sẽ tăng
Tháng 5-2023, Thái Lan, nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới, kêu gọi nông dân bớt trồng lúa để dành nước cho sinh hoạt và tưới cho các cây trồng lâu năm. Đây là một trong các biện pháp điều chỉnh phạm vi rộng để ứng phó với thời tiết cực đoan.
Khu vực Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan và Việt Nam – hai nước xuất khẩu gạo hàng thứ nhì và thứ ba thế giới, chịu tác động của hiện tượng El Niño trong nửa cuối năm. Hình thái thời tiết này gây hạn hán và nắng nóng hơn, do đó nông nghiệp và sản xuất lúa gạo về lý thuyết có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tác động của El Niño đến sản xuất lúa gạo, nông nghiệp và xa hơn là an ninh lương thực có lớn hay không thì hiện nay chưa có dữ liệu cụ thể để khẳng định.
Elyssa Kaur Ludher và Paul Teng – hai nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á trụ sở ở Singapore – nhận định tác động chắc chắn sẽ không lớn như hồi năm 2015 – 2016 vì người dân ở Đông Nam Á đã có kinh nghiệm đối phó với tác động thời tiết do El Niño kết hợp cùng biến đổi khí hậu.
Trong những năm dự báo có El Niño gây hạn hán, xâm nhập mặn, người dân chậm xuống giống hoặc thay đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng. Ngoài ra hệ thống thủy lợi hiệu quả, sử dụng các giống lúa lai chịu hạn, chịu mặn cũng giúp bảo vệ lợi ích của nông dân, tránh mất mùa.
Theo báo cáo công bố vào tháng 6 vừa qua của FAO, mặc dù các yếu tố (chính trị) bất ổn và thời tiết khắc nghiệt vẫn duy trì và xảy ra thường xuyên, sản lượng gạo toàn cầu tăng lên do hội tụ nhiều yếu tố tích cực.
Các yếu tố hỗ trợ sản xuất gạo gồm giá bán cao hơn, chi phí phân bón giảm, các biện pháp hỗ trợ của chính phủ. FAO dự báo lượng sản xuất lúa gạo toàn cầu sẽ tăng 1,3% trong mùa vụ năm 2023 – 2024, lên 523,5 triệu tấn (tại cơ sở xay xát). Dự báo ở tất cả các khu vực trên thế giới, trừ Mỹ Latin, Caribê và châu Đại Dương, sản lượng lúa gạo vụ mùa năm nay sẽ cao hơn so với mùa vụ năm 2022 – 2023.
Fitch Solutions, đơn vị nghiên cứu vĩ mô và là công ty liên kết của hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings, dự đoán thị trường gạo toàn cầu sẽ ở mức cân bằng trong mùa vụ 2023 – 2024 và thặng dư từ mùa vụ 2024 – 2025 và trung hạn. Do thặng dư, Fitch dự báo giá gạo năm 2024 sẽ giảm khoảng 10%, dao động quanh mức 15,5 USD/tạ.
Theo Tuoitre.vn