Nghỉ hè, trẻ có nhiều thời gian hơn để tham gia các hoạt động tập luyện như bơi lội, đá bóng, cầu lông, bóng rổ, aerobic… Tuy vậy, hoạt động ngoài trời, nhất là dưới trời nắng nóng hoặc trong điều kiện thời tiết gay gắt sẽ khiến trẻ quá sức, đổ nhiều mồ hôi, mất nước, dễ sụt cân.
Vận động, tập thể dục thể thao giúp trẻ rèn luyện thể lực, phát triển chiều cao, cải thiện cân nặng, tăng vận chuyển oxy, sức bền, khả năng chịu đựng… Ngoài ra, vận động thường xuyên còn giúp trẻ hưng phấn, vui vẻ, giảm thời gian ngồi thụ động, chơi game, sử dụng thiết bị điện tử; giảm cholesterol xấu, giảm mỡ dư thừa.
Tuy nhiên, khi vận động quá nhiều, không bổ sung dinh dưỡng hợp lý, trẻ sẽ tiêu hao nhiều năng lượng, đổ nhiều mồ hôi khiến cơ thể mất nước kèm theo khoáng chất như natri, kali… Trẻ có thể bị giảm cân, giảm cơ, mất sức. Phụ huynh cần lưu ý lựa chọn hình thức vận động phù hợp với con, phân bổ giờ giấc chơi thể thao hợp lý. Đồng thời, cha mẹ xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học để bé đủ sức hoạt động, không bị sụt cân, phát triển chiều cao, cân nặng đúng chuẩn.
Phụ huynh nên lựa chọn cho trẻ các hình thức vận động có lợi cho sự phát triển chiều cao, cân nặng, sự linh hoạt như bơi lội, bóng rổ, bóng đá, aerobic, chạy bộ, võ thuật… Trẻ tránh các môn thể thao cường độ mạnh như gym, tập tạ, chạy nhanh… Cha mẹ cho trẻ tập luyện vừa sức với thời gian phù hợp, tập từ 30-60 phút mỗi ngày hoặc tuần 3-4 lần. Nếu bé tập luyện nhiều hơn, giữa, trong từng buổi tập cần thời gian nghỉ phù hợp.
Về dinh dưỡng, trẻ chơi thể thao cần ăn nhiều hơn so với người cùng tuổi không chơi thể thao, tùy theo thời lượng, cường độ vận động. Trong bữa ăn hàng ngày, phụ huynh cho trẻ ăn đa dạng, đủ 4 nhóm thực phẩm cần thiết gồm tinh bột: cơm, bún, phở, mì…; chất đạm như thịt lợn, thịt bò, cá, thủy hải sản, đậu nành, các sản phẩm từ đậu nành; chất béo (dầu, mỡ, bơ…); vitamin, khoáng chất (rau, trái cây). Cha mẹ ưu tiên những thức ăn giàu đạm như thịt, cá, trứng. Ngoài ra, trẻ phải chú ý ăn phụ trước, sau khi tập, uống nước đầy đủ để phòng mất nước.
Mùa hè oi bức nên trẻ vận động nhiều cần ăn thực phẩm có tính mát để giúp giải nhiệt như: rau dền, rau muống, bí xanh… cung cấp nhiều vitamin, bổ sung chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ. Bên cạnh đó, ăn nhiều loại trái cây tươi ngon như dứa, chuối, cam, dưa hấu, dâu tây, bơ, đu đủ… là nguồn cung cấp vitamin, dưỡng chất, chất xơ giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống các bệnh mùa hè.
Với những bé có tiền sử biếng ăn, vận động có thể giúp trẻ ăn ngon miệng.Tuy vậy, nhiều trẻ sẽ không chủ động bổ sung dinh dưỡng, dễ mất năng lượng, mất nước, bị sụt ký. Với những trường hợp này, bố mẹ chú ý cho bé ăn nhẹ trước khi chơi thể thao một giờ. Sau khi vận động, cha mẹ cho con ăn thêm chuối, nho, uống sữa.
Vui chơi, chạy nhảy khiến trẻ mất nhiều nước. Do đó, lượng nước trẻ cần nạp vào khoảng 1,5 lít mỗi ngày. Nếu hoạt động thể chất mạnh thì trẻ có thể tăng lượng nước từ hoa quả, trái cây.
Cha mẹ cho trẻ ăn đúng giờ để tránh tình trạng bỏ bữa hay quá bữa, trẻ biếng ăn. Phụ huynh cố gắng tập cho trẻ ăn đúng theo thời gian biểu, tuyệt đối không bỏ các bữa chính, đặc biệt là bữa sáng. Ngoài 3 bữa ăn chính, mẹ có thể cho bé ăn thêm 2-3 bữa phụ vào những khung giờ hợp lý hoặc trước, sau khi tập luyện, với các món như hoa quả, sữa chua, bánh mì.
Mỗi hoạt động thể lực có mức tiêu hao năng lượng khác nhau. Ví dụ, cùng bơi lội, nhưng nếu bơi sải liên tục sẽ tiêu hao nhiều calo hơn bơi ếch, đi bộ nhanh khoảng 6 km một giờ tiêu hao nhiều năng lượng hơn đi bộ chậm 4 km mỗi giờ… Vì vậy, bác sĩ Tùng khuyến cáo, rất khó để tính chính xác trẻ tiêu hao mất bao nhiêu calo cho một buổi tập. Phụ huynh cần theo sát, thống nhất với con cường độ tập, từ đó tư vấn thêm với bác sĩ nhằm có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Nếu trẻ đang thiếu cân hay bị sụt cân nhiều, người lớn cần đưa bé đi khám dinh dưỡng.
Trương Tử Vy – BNSG (Tổng hợp)