Sáng nay, ngày 05/11/2024 giá cà phê được cập nhật dao động ở mức 105.900 – 106.400 đồng/kg tại các địa phương trọng điểm, tăng 400 – 500 đồng/kg so với ngày hôm qua, tăng thêm +400 so với ngày hôm trước. Giá cà phê trực tuyến giao dịch trên hai sàn lớn nhất thế giới Robusta London (ICE Futures Europe) và Arabica New York (ICE Futures US) được hệ thống lưu trữ chính xác sau mỗi phiên giao dịch.
Cụ thể, trên sàn giao dịch London, giá cà phê trực tuyến robusta hợp đồng giao tháng 1/2025 tăng 0,91% (39 USD/tấn) so với phiên giao dịch trước, lên mức 4.318 USD/tấn. Hợp đồng giao tháng 3/2025 tăng 0,97%, đứng ở mức 4.249 USD/tấn. Tương tự, trên sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica hợp đồng giao tháng 12 tăng 1,23% (3 US cent/pound), đạt 245,95 US cent/pound. Hợp đồng giao tháng 3/2025 tăng 1,05% (2,55 US cent/pound) chốt ở mức 244,95 US cent/pound.
Tại thị trường trong nước, sau khi điều chỉnh tăng 500 đồng/kg, thương lái tại tỉnh Gia Lai đang thu mua cà phê ở mức 106.400 đồng/kg. Tương tự, giá cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cũng được giao dịch ở mức 106.400 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg. Còn tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê tăng 400 đồng/kg lên mức 105.900 đồng/kg.
Hôm thứ hai (4/11), Cơ quan Khí tượng Somar Meteorologia báo cáo rằng lượng mưa ở khu vực trồng cà phê arabica lớn nhất của Brazil, Minas Gerais, chỉ đạt 27,4 mm trong tuần trước, tương đương 64% mức trung bình lịch sử.
Trong khi đó, Báo Đắk Lắk đưa tin, theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), niên vụ cà phê 2024 – 2025 đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch, sản lượng cả nước dự kiến khoảng 1,47 triệu tấn, giảm mạnh so với vụ trước do thời tiết bất lợi, nhưng giá sẽ tốt hơn nhiều năm trước.
Theo các chuyên gia dự báo, giá cà phê Việt Nam trong cả niên vụ 2024 – 2025 sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do sản lượng giảm, trong khi lượng tồn kho niên vụ 2023 – 2024 không còn nhiều.
Tại Đắk Lắk, diện tích cà phê toàn tỉnh đạt khoảng 210.000 ha; sản lượng bình quân đạt hằng năm đạt trên 500.000 tấn nhân. Tuy nhiên, theo nhận định của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, sản lượng niên vụ 2024 – 2025 có thể giảm từ 5 – 10% so với niên vụ trước.
Nguyên nhân là do có hàng nghìn ha cà phê bị khô hạn, thiếu nước trong mùa khô năm 2024 – giai đoạn cây đang nuôi quả, dẫn đến nhiều vườn bị rụng quả non hoặc hạt cà phê nhỏ lại. Bên cạnh đó, diện tích cà phê tiếp tục giảm xuống do nhiều nông dân trồng xen hoặc chuyển sang trồng một số loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao cũng làm giảm đáng kể sản lượng cà phê của tỉnh trong niên vụ này.
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho rằng, giá tăng cao là yếu tố rất phấn khởi cho bà con nông dân, tuy nhiên điều này cũng tạo áp lực không nhỏ cho vấn đề an ninh mùa vụ.
Do đó, các hộ cần liên kết với nhau để bảo vệ vườn cây, đồng thời chính quyền địa phương cũng cần có giải pháp hỗ trợ nông dân trong vụ thu hoạch, nhất là có biện pháp hành chính/chế tài cụ thể đối với những nơi thu mua quả xanh để hạn chế việc hái trộm bán trái xanh đầu vụ hoặc một số hộ hái sớm để mong bán với giá tốt gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và sức khỏe vườn cây.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, việc giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục duy trì ở mức cao trong nhiều tháng qua đã tác động tích cực đến giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong đó, cà phê vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực và duy trì được tốc độ tăng trưởng.
Cụ thể, tính đến hết quý III/2024, sản lượng cà phê xuất khẩu đạt hơn 200.000 tấn, chiếm tỷ trọng khoảng 50 – 60% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Cà phê cũng trở thành sản phẩm nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, bình quân đạt 3.897 USD/tấn (tăng 56% so với cùng kỳ năm trước).
Bảo Ngọc SG tổng hợp