Thời gian qua, các đối tượng xấu đã lợi dụng sơ hở của người dân trong việc chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ khẩu trên mạng xã hội (Zalo, Facebook…) sau đó đăng ký sử dụng các dịch vụ online: mua hàng, xin việc, vay tiền…
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa đảo
CCCD là một loại giấy tờ quan trọng. Mã QR và chip trên thẻ CCCD chứa rất nhiều thông tin cá nhân mà tội phạm công nghệ cao triệt để lợi dụng để trục lợi. Trong đó, bao gồm những thông tin về tên, năm sinh, ảnh cá nhân, dữ liệu sinh trắc học cơ bản…
Tuy nhiên, hiện nay nhiều công dân vẫn “vô tư” chia sẻ hình ảnh CCCD của mình trên mạng xã hội. Hành vi này tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân. Từ những thông tin đó, các đối tượng xấu có thể dễ dàng lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Sau khi có thông tin dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng của người dân, đối tượng bán thông tin cho các đối tượng khác (kể cả người nước ngoài) để sử dụng vào mục đích phạm tội, vi phạm pháp luật như: Làm giấy tờ giả để mở tài khoản lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các khoản vay vốn của ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính; chuyển nhận tiền đánh bạc, tổ chức đánh bạc; giả mạo, giả danh cán bộ Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, hải quan, thuế… gọi điện đe doạ yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra hoặc làm quen qua mạng xã hội hứa hẹn gửi quà, tiền đánh vào lòng tham của người dân rồi yêu cầu họ chuyển tiền phí, lệ phí và tiền “bôi trơn” vào tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định để chiếm đoạt…
Phần lớn những người cho thuê, mượn thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng không biết việc sử dụng thông tin, tài khoản để thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên có trường hợp dù biết rõ nhưng vì hám lợi vẫn tiếp tay, tạo cơ hội cho đối tượng thực hiện hành vi phạm tội và đã bị xử lý với vai trò đồng phạm.
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, sự nguy hiểm của việc sử dụng thông tin trên căn cước công dân đăng ký mã số thuế ảo, vay tiền từ các tổ chức tín dụng trên mạng xã hội và lừa đảo chiếm đoạt tài sản là rất nghiêm trọng. Cục An toàn thông tin đã đưa ra những cảnh báo và biện pháp đề phòng thủ đoạn lừa đảo đánh cắp thông tin CCCD đi vay tín dụng, đảm bảo an toàn cho người dân.
Tiết lộ thông tin cá nhân: Sử dụng thông tin trên CCCD để đăng ký mã số thuế ảo hoặc cung cấp thông tin cá nhân như số CMND, ngày sinh, địa chỉ trên mạng xã hội có thể rất nguy hiểm. Kẻ gian có thể lợi dụng thông tin này để thực hiện hoạt động lừa đảo hoặc chiếm đoạt tài sản.
Vay tiền từ các tổ chức tín dụng trên mạng xã hội: Các tổ chức tín dụng trên mạng xã hội có thể cung cấp dịch vụ vay tiền nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên, hãy cẩn trọng với các khoản lãi suất cao và điều khoản vay không rõ ràng. Nếu không thực hiện cẩn thận, bạn có thể rơi vào tình trạng nợ nần và mất tài sản.
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Trên mạng xã hội có rất nhiều hình thức lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Họ có thể sử dụng các chiêu thức như làm quen, tạo dựng lòng tin và yêu cầu chuyển khoản tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân. Hãy cẩn trọng với các tin nhắn, cuộc gọi hoặc thông tin từ người không rõ danh tính.
Biện pháp phòng tránh
Bảo vệ thông tin cá nhân: Không tiết lộ thông tin cá nhân quan trọng như số CCCD, CMND, số tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu cho bất kỳ ai trên mạng xã hội hay qua các tin nhắn không xác định nguồn gốc.
Kiểm tra danh tính: Nếu nhận được cuộc gọi, tin nhắn hoặc email từ các tổ chức tài chính, hãy xác minh danh tính của họ bằng cách liên hệ trực tiếp với tổ chức đó qua số điện thoại hoặc địa chỉ email đã được công bố chính thức.
Kiểm tra mức uy tín của sàn giao dịch: Trước khi tham gia vào giao dịch trực tuyến bất kì, cần phải xem xét độ uy tín cũng như minh bạch của nó để đảm bảo các thông tin cá nhân được bảo mật