Đầu bếp Hồ Đắc Hoài Ân: Người “kể chuyện” bằng ẩm thực xứ Huế

Sinh ra tại vùng đất Huế thơ mộng, nơi văn hóa ẩm thực đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, đầu bếp Hồ Đắc Hoài Ân không chỉ đơn thuần là người đứng sau gian bếp của nhà hàng chay Hòa Lành Vegan, mà còn là người gìn giữ và phát triển di sản ẩm thực chay của gia đình.

Nằm tại chợ Đông Ba, nhà hàng Hòa Lành Vegan được biết đến như một điểm đến không thể bỏ qua đối với những người yêu thích ẩm thực chay và muốn khám phá nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của xứ Huế.

Đầu bếp Hoài Ân đang nấu món bún bò Huế (Nguồn: Hoài Ân)
Đầu bếp Hoài Ân đang nấu món bún bò Huế (Nguồn: Hoài Ân)

Dù xuất thân từ gia đình có truyền thống ẩm thực ba đời, Hoài Ân lại chọn con đường khác khi theo đuổi ngành Văn hóa học. Tưởng chừng anh đã rời xa nghề gia truyền, nhưng năm 2011, bước ngoặt quan trọng đã đưa anh trở lại với niềm đam mê cũ. Anh quyết định kế thừa các công thức chay tinh tế của gia đình, mang trong mình trách nhiệm bảo tồn và phát huy những giá trị ẩm thực truyền thống.

Món “Bún bò Áo dài” được nấu bởi đầu bếp Hoài Ân (Nguồn: Hoài Ân)
Món “Bún bò Áo dài” được nấu bởi đầu bếp Hoài Ân (Nguồn: Hoài Ân)

Được gia đình hỗ đắc lực, nhưng đây cũng là áp lực lớn đối với Hoài Ân. Anh phải nỗ lực duy trì nguyên bản các công thức truyền thống, đồng thời phát triển những món ăn phù hợp với khẩu vị hiện đại của thực khách, nhưng vẫn giữ trọn vẹn bản sắc của mỗi món ăn. Theo anh, việc sáng tạo là cần thiết, nhưng “giữ gìn hương vị nguyên bản mà không làm mất đi gốc rễ” là điều quan trọng nhất.

Đầu bếp Hoài Ân tại workshop “Bánh màu phép lam” diễn ra tại Huế. (Nguồn: Hoài Ân)
Đầu bếp Hoài Ân tại workshop “Bánh màu phép lam” diễn ra tại Huế. (Nguồn: Hoài Ân)

Bên cạnh việc phát triển kinh doanh ẩm thực gia đình, đầu bếp Hoài Ân còn ấp ủ một dự án cá nhân đầy tâm huyết. Anh chia sẻ mong muốn sẽ biên soạn một quyển sách tổng hợp những câu chuyện về văn hóa ẩm thực, giải thích quá trình hình thành và nguồn gốc của các món Việt lâu đời

Chẳng hạn, khi thưởng thức món bánh bánh bèo, bạn có bao giờ tự hỏi vì sao món này lại có tên là “bánh bèo”? Liệu nguồn gốc thực sự của bánh bèo là từ đâu? Đâu là hương vị và nguyên liệu chuẩn xác nhất? Với những người đam mê ẩm thực, tìm câu trả lời cho những thắc mắc ấy không chỉ ý nghĩa mà còn là một khám phá thú vị. Với đầu bếp Hoài Ân, món ăn không chỉ phải ngon, mà còn cần kể lên một câu chuyện về nguồn gốc của nó.

Bánh bèo Huế do chính tay đầu bếp Hoài Ân thực hiện  (Nguổn: Hoài Ân)
Bánh bèo Huế do chính tay đầu bếp Hoài Ân thực hiện  (Nguổn: Hoài Ân)

Hiện nay, nhiều bạn trẻ có xu hướng tiếp cận ẩm thực theo cách thưởng thức món ăn trước, rồi mới quan tâm đến nguồn gốc. Trong khi đó, đầu Hoài Ân lại muốn truyền tải giá trị ẩm thực qua ngôn từ, dẫn dắt người đọc tìm hiểu về câu chuyện phía sau mỗi món ăn trước khi họ thưởng thức. Đây là cách anh lựa chọn để quảng bá ẩm thực xứ Huế và quê hương Việt Nam, bằng cách bảo tồn những giá trị và hương vị nguyên bản cho thế hệ sau.

Đầu bếp Hồ Đắc Hoài Ân luôn đặt hết tâm huyết vào mỗi món ăn do anh chế biến (Nguồn: Hoài Ân)

Với tình yêu sâu đậm dành cho ẩm thực chay và mong muốn bảo tồn các giá trị văn hóa ẩm thực của Huế, đầu bếp Hoài Ân không chỉ dừng lại ở việc nấu ăn mà còn góp phần lan tỏa câu chuyện của từng món ăn tới cộng đồng. Thông qua việc kết hợp tài nghệ nấu nướng với khả năng kể chuyện, hy vọng anh sẽ thành công trong việc gìn giữ và phát triển di sản ẩm thực gia đình. Với những dự án đầy tham vọng trong tương lai, đặc biệt là kế hoạch biên soạn sách về ẩm thực, Hồ Đắc Hoài Ân đang khẳng định rằng ẩm thực không chỉ đơn thuần là hương vị, mà còn là cây cầu nối liền quá khứ với hiện tại, văn hóa với đời sống hiện đại.

Bảo Ngọc Sài Gòn