Hỗ Trợ Doanh Nghiệp Phục Hồi Kinh Tế Sau Bão Số 3

Theo số liệu thống kê sau bão số 3 mang tên Yagi, thiệt hại đối với nền kinh tế là trên 50.000 tỷ đồng, dự báo làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế 0,15%. Cộng đồng doanh nghiệp là đối tượng gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Chính bởi vậy, việc tiếp tục có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh là rất cần thiết trong lúc này.

Bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua và mạnh nhất trên đất liền ở nước ta trong khoảng 70 năm qua, có cường độ rất cao, tốc độ rất lớn, phạm vi rộng, vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17, thời gian kéo dài, sức tàn phá mạnh và tác động, ảnh hưởng rất nặng nề trên phạm vi rất rộng ở hầu hết các địa phương Bắc Bộ.

Hậu bão – Doanh nghiệp lao đao

Ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ, đợt bão vừa qua, Hòa Phát ở Hải Dương bị ảnh hưởng nặng nề, hiện tập đoàn đang tích cực xử lý với tinh thần chủ động tự khắc phục. Đại diện Hòa Phát rất ấn tượng với các chỉ đạo sát sao của Chính phủ. Theo ông Long các chính sách hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất, phát triển thị trường là rất cần thiết với các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc hỗ trợ nguồn vốn tiếp sức cho doanh nghiệp, người dân khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống là cấp thiết. Các chính sách hỗ trợ phải nhanh, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; đơn giản hóa thủ tục để dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát và đánh giá. Nghiên cứu gói chính sách hỗ trợ với lãi suất 0% cho các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bão lũ. Một số chính sách hỗ trợ có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện đến hết năm 2025 để phù hợp với sự phục hồi của DN, hộ kinh doanh.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, đến nay, 100% doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã hoạt động trở lại nhằm đảm bảo không để đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng. Trước đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều DN trong các Khu công nghiệp VSIP và Nam Cầu Kiền bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều nhà xưởng bị lật mái, nước tràn vào kho và nhà xưởng, đổ cổng, gẫy hỏng hàng rào, biển báo, camera cũng như nhiều trang thiết bị, phương tiện khác… Điều này đồng nghĩa với việc phải tốn kém hàng loạt chi phí để DN khắc phục hậu quả.

Công ty TNHH Việt Trường (Hải Phòng) có 3 nhà máy thì 2 nhà máy bị ảnh hưởng rất nặng. Nguyên liệu công ty nhập khẩu về đang phải tạm lưu container tại cảng, chấp nhận chịu chi phí lưu kho và điện cắm tại cảng. Công ty này đã phải tạm dừng hoạt động 20 ngày để có thể hồi phục, đảm bảo các điều kiện sản xuất trở lại.

Bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là hai lĩnh vực có tăng trưởng cao nhất trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp. Tính toán sơ bộ ban đầu, ngành thủy sản thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng, ngành chăn nuôi cũng khoảng 2.000 tỷ đồng.

Ngành chăn nuôi, thủy sản thiệt hại nặng nề

Ông Phạm Kim Đăng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, tính đến ngày 18/9, bão số 3 đã làm 22.514 con gia súc, 3.097.000 con gia cầm bị chết. Trong đó, 5 tỉnh bị thiệt hại lớn nhất là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái.

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, bên cạnh thiệt hại về gia súc, gia cầm chết thì cho đến nay thiệt hại về chuồng, trại chưa thể thống kê hết được. Cục Chăn nuôi đã hướng dẫn các địa phương vận dụng chính sách hiện có để tái đàn, xây dựng kế hoạch phục hồi, kịch bản về nguồn cung cấp giống… Đến nay, Cục Chăn nuôi cũng kêu gọi được hơn 50 DN tài trợ tiền mặt, con giống, thức ăn… với tổng số tiền gần 79 tỷ đồng để giúp phục hồi chăn nuôi trong thời gian tới.

Còn thông tin từ Cục Thuỷ sản (Bộ NNPTNT) cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 19.956ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, 4.246 lồng bè bị hư hỏng, cuốn trôi, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về cơ sở vật chất và nuôi trồng thuỷ sản. Hải Phòng và Quảng Ninh là hai địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất do cơn bão số 3.

Ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, theo báo cáo sơ bộ của địa phương các tỉnh phía Bắc từ Quảng Ninh đến Nghệ An, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ bờ bao, ngập lụt và ước thiệt hại khoảng 23.595ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ thiệt hại 8.104,14ha, thuỷ sản nước ngọt bị ảnh hưởng do ngập lụt 14.241ha; diện tích nuôi nhuyễn thể và thủy sản khác là 4.070,20ha; số lồng bè bị thiệt hại khoảng 4.592 ô lồng. Ước thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do bão số 3 và mưa lũ sau bão khoảng hơn 2.500 tỷ đồng.

Không chỉ phá hủy hạ tầng, bão còn làm thay đổi đáng kể chất lượng nước tại các vùng nuôi trồng, gây ra những tác động tiêu cực lâu dài. Mưa lớn từ bão làm trôi đất đá và chất thải vào các ao hồ và vịnh biển, khiến nồng độ ô nhiễm trong nước tăng cao. Điều này gây sốc môi trường cho nhiều loài thủy sản nhạy cảm như cá biển và tôm, dẫn đến tỷ lệ chết cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng nuôi trồng. Ở khu vực Đồ Sơn (Hải Phòng), nồng độ muối trong nước biển giảm mạnh do mưa lớn, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của các loài thủy sản như cá giò và cá bớp, vốn rất nhạy cảm với độ mặn.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình – Tổng Giám đốc STP Group, cho biết khu vùng nuôi của công ty tại Quảng Ninh bị đứt và trôi đi hết. Các thiết bị máy tính điều khiển công ty gắn tại các lồng nuôi đều bị đánh chìm và không hoạt động được. Mặc dù đến nay, công ty xác định được định vị của các thiết bị này nhưng vẫn chưa đi trục vớt được để kiểm tra xem còn hoạt động được không. Công ty bị mất toàn bộ lưới neo, phù du, sinh vật, nhiều cá lớn cỡ khoảng 40kg/con cũng bị trôi. Ước thiệt hại của công ty khoảng gần 10 tỷ đồng.

Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), bão số 3 gây gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng và logistics. Hệ thống giao thông bị tắc nghẽn do mưa lũ và hư hỏng khiến quá trình vận chuyển nguyên liệu từ các vùng nuôi đến nhà máy chế biến bị trì hoãn.

Theo ông Nam, các đơn vị xuất khẩu thủy sản không chỉ phải đối mặt với chi phí tăng do gián đoạn vận chuyển mà còn gặp khó khăn trong việc bảo quản hàng hóa. Nhiều chuyến hàng bị hoãn, phải lưu trữ trong thời gian dài có thể khiến chất lượng sản phẩm bị giảm sút, làm tăng nguy cơ thua lỗ.

Giới chuyên gia nhận định, các đơn vị sẽ phải mất nhiều thời gian và nguồn lực để khôi phục lại cuộc sống cũng như quay trở lại sản xuất, kinh doanh bình thường.

Đáng lưu ý, thời điểm này là cao điểm sản xuất và xuất khẩu để doanh nghiệp, đơn vhoàn thành các chỉ tiêu kinh tế năm. Vì vậy, “phao” hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp cần được thực hiện sớm nhất có thể.

Theo TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, để hỗ trợ DN phục hồi, 2 chính sách quan trọng như ở thời dịch Covid-19 có thể triển khai được ngay. Thứ nhất là chính sách tiền tệ liên quan đến khoanh nợ, hỗ trợ cho vay và giảm lãi suất. Thứ hai là chính sách tài khóa liên quan đến miễn, giảm, hoãn các loại thuế, phí. Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh các chính sách hỗ trợ phải được tính toán làm thế nào để nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Để hỗ trợ các đơn vị khắc phục hậu quả của bão số 3, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng… và Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí.

Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị Chính phủ một số giải pháp, cụ thể: Đối với các ngành, lĩnh vực, địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất từ bão Yagi, gồm tàu cá khai thác thuỷ hải sản, tàu du lịch, lồng bè nuôi trồng thuỷ hải sản trên mặt biển, sông, suối, ao hồ: Hỗ trợ thiệt hại thực tế đối với lồng bè nuôi trồng thuỷ hải sản theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP, đề nghị cân nhắc tăng mức tiền hỗ trợ và áp dụng cho cả các doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ hải sản;

Hỗ trợ thiệt hại thực tế đối với tàu cá, tàu du lịch. Biện pháp hỗ trợ: theo định mức. UBND cấp xã cùng chủ tàu thống kê thiệt hại; Miễn tiền thuê mặt nước cho các cơ sở nuôi trồng thuỷ hải sản đến hết năm 2025; Miễn các loại phí và lệ phí có liên quan như lệ phí ra vào cảng biển, cảng bến thuỷ nội địa, phí sử dụng vị trí neo đậu trong khoảng 6 tháng đến 1 năm.

VCCI cũng kiến nghị Nhà nước hỗ trợ 50 – 70% chi phí mua bảo hiểm cho các loại tàu cá, tàu du lịch đến hết năm 2025; Đồng thời, cân nhắc việc miễn hoặc giảm 50% số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với đối tượng này trong khoảng 4 tháng đến 6 tháng; Cân nhắc việc giảm các khoản nộp cho bảo hiểm xã hội trong khoảng 4 đến 6 tháng; Cân nhắc miễn phần kinh phí công đoàn nộp lên cấp trên cơ sở trong khoảng 4 tháng đến 6 tháng.

Hai là chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành.

Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng do không có tài sản thế chấp, đặc biệt là sau thiệt hại sau bão càng không có tài sản đảm bảo. Vì thế, cơ quan quản lý cần thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng, khuyến khích các ngân hàng giảm bớt thủ tục vay vốn, mạnh dạn cho vay mới với những doanh nghiệp chịu thiệt hại.

Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp cũng đề nghị cần đơn giản hóa các thủ tục tiếp nhận chính sách hỗ trợ, qua đó giúp đẩy nhanh quá trình chính sách tiếp cận đúng và trúng nhu cầu của DN. Hơn nữa, các thủ tục về cấp phép đầu tư xây dựng lại nhà xưởng, nhập khẩu và mua sắm trang thiệt bị… cũng cần được đơn giản hoá, tạo điều kiện cho DN nhanh chóng tái thiết sản xuất.

Giới chuyên gia cũng cho rằng doanh nghiệp cần sự hỗ trợ đồng bộ từ các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương. Trước hết, cần tạo điều kiện thuận lợi về lưu thông hàng hóa, giảm bớt thủ tục hành chính, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn các đơn hàng sản xuất. Để có thể phục hồi, tái sản xuất, các ngân hàng phải xắn tay vào, hỗ trợ doanh nghiệp giãn hoãn các khoản vay trước đó, đồng thời có chính sách giảm lãi suất phù hợp. Về lâu dài, cơ quan thuế có thể xem xét miễn giảm, giãn hoãn một số loại thuế, phí. Tập trung vào các công cụ chi ngân sách đúng địa chỉ, đúng nơi, đúng người đúng doanh nghiệp.

Theo daidoanhket.vn