“Đầu tư cho văn hóa cũng chính là đầu tư cho tương lai”, đó là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị văn hóa tỉnh Bình Phước 2023.
Ngày 11.8, tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị văn hóa 2023. Tham dự có Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cùng các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học tại TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội; lãnh đạo Sở VH-TT-DL các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ và Tây nguyên…
Đây là lần đầu tiên, Hội nghị văn hóa Bình Phước được tổ chức với 193 điểm cầu trong và ngoài tỉnh cùng gần 13.000 đại biểu, cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia trực tuyến và trực tiếp.
Bình Phước có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống
Bình Phước hiện có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống với dân số hơn 1 triệu người, đã tạo được sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, vùng miền.
Hiện toàn tỉnh có 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 43 di tích được xếp hạng, trong đó có 5 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 12 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 26 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Sau 25 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, các giá trị văn hóa của Bình Phước luôn được gìn giữ và phát huy. Nhiều hủ tục lạc hậu và các tệ nạn xã hội từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi. Phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ, truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng được khôi phục. Hoạt động xã hội hóa văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa ở địa phương. Nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử, văn hóa được vinh danh, bảo tồn và phát huy giá trị.
Bà Trần Tuyết Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết hội nghị văn hóa lần này đã nhận được hơn 30 tham luận về nhiều khía cạnh trong lĩnh vực văn hóa ở Bình Phước. Trong đó có 7 bài của các chuyên gia, nhà khoa học và 27 bài của các cơ quan quản lý ở địa phương, đội ngũ văn nghệ sĩ.
Tham luận tại hội nghị, GS.TS Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị Bình Phước cần tiếp tục tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, hiểu văn hóa theo nghĩa toàn vẹn. Phải làm sâu sắc thêm vai trò, vị trí của văn hóa trong sự phát triển của tỉnh. Cốt lõi của xây dựng văn hóa là con người. Tính cách và sức mạnh của con người là nhân tố then chốt cho việc phát triển, khai thác nguồn lực văn hóa.
GS.TS Cao Việt Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển con người Bình Phước, cả về nhân cách, đạo đức, trí, thể, mỹ.
“Bình Phước cần phát triển văn hóa gắn với chuyển đổi số, xây dựng các biểu trưng riêng. Mỗi người dân cần có 5 ‘trách nhiệm’, đó là trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, thiên nhiên và công dân toàn cầu”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho tương lai
Đánh giá cao hội nghị văn hóa lần đầu tiên được Bình Phước tổ chức, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đồng tình với những nhận định, đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội nghị này. Những ý kiến đóng góp có giá trị sẽ giúp cho không chỉ Bình Phước nói riêng mà còn giúp Bộ VH-TT-DL thể chế hóa chiến lược phát triển văn hóa bằng những chủ trương, chính sách cụ thể.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng Bình Phước cần chú trọng hơn tới công tác tuyên truyền, giáo dục, giúp người dân hiểu đầy đủ về văn hóa.
“Đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho tương lai. Bình Phước cần có sự đầu tư thỏa đáng để xây dựng các thể chế, thiết chế văn hóa, đồng thời có cơ chế vận hành các thiết chế này để tránh lãng phí, đáp ứng được nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Xây dựng Bình Phước thành điểm đến hấp dẫn
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh Bình Phước cần xác định xây dựng văn hóa, con người là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Tỉnh cần tập trung nghiên cứu, triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Bình Phước trong thời kỳ mới.
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cũng đề nghị Bình Phước cần phát huy vai trò của gia đình, dòng họ, cộng đồng và xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Đặc biệt là tạo ra được nhiều sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch chất lượng cao mang đậm bản sắc, cốt cách con người Bình Phước, nhằm xây dựng Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Theo Thanhnien.vn