Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, có 8 ngành nghề kinh doanh đang trong vòng vây khó khăn. Ngoài bị thua lỗ, giảm đơn hàng, nhiều đơn vị đang đứng trước nguy cơ phá sản. Không chỉ xuất khẩu gặp khó mà nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng giảm mạnh khiến hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn, thiếu đơn hàng nên phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa, hàng ngàn lao động mất việc.
Đối mặt với những khó khăn về nguồn vốn, đơn hàng.
Một trong những khó khăn đầu tiên mà các doanh nghiệp mắc phải hiện nay là khó khăn về nguồn vốn để duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Những đơn hàng không thu hồi được công nợ tăng cao do khủng hoảng dây chuyền từ các công ty đối tác. Bên cạnh đó, việc tiếp cận với các nguồn vốn vô cùng khó khăn.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI thì: “Dù thời gian qua Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách tiếp cận vốn, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng là rất ít và đang có xu hướng giảm. Đáng chú ý là tình hình tiếp cận vốn vay và lãi suất hiện nay cần phải cải thiện hơn nữa”.
Theo ông Trần Việt Cường, Chủ tịch HĐTV Công ty dịch Vụ Giao Nhận Song Song: “Chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó việc sụt giảm đơn hàng từ các đối tác do họ cắt giảm đơn hàng, cắt giảm khoản chi cho vấn đề vận chuyển trong năm 2023 là rất lớn, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, còn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp khác do họ giảm giá thành vận chuyển, cũng ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh doanh của chúng tôi.
Doanh nghiệp khát nhân công
Ngày 25/5, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM thông tin về kết quả thỏa thuận chấm dứt hợp đồng giữa công ty TNHH PouYuen Việt Nam với 4.439 công nhân mà doanh nghiệp dự định cắt giảm vào cuối tháng 6. Theo đó, đã có 4.438 công nhân trong tổng số 4.439 người đồng ý ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động tại PouYuen từ ngày 24/6. Dự kiến ngày 30/6, công ty sẽ chi trả số tiền trợ cấp thôi việc cho 4.438 công nhân này.
Trong khi nhiều doanh nghiệp khó khăn phải cắt giảm nguồn nhân công thì vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp đang chật vật trong việc tuyển dụng và giữ chân người lao động, một phần do thu nhập giảm, một phần do cuộc sống khó khăn nên người lao động bỏ việc về quê nhiều hơn. Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương thì, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân người lao động. Doanh nghiệp cũng gặp trở ngại không ít trong việc chấp hành pháp luật kinh doanh.
Chật vật vì hàng giả hàng nhái và tin đồn thất thiệt.
Trong tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với các khó khăn về vốn, đơn hàng, nhân công thì rất nhiều doanh nghiệp còn phải đấu tranh với tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang diễn ra làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thêm, TGĐ Công ty Themphaco cho rằng: “Nhiều đơn vị liên kết với chúng tôi để phân phối hàng hóa, sau đó họ tìm cách làm giả làm nhái, thậm chí là sản xuất sản phẩm kém chất lượng ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp. Khi nghe các thông tin như vậy, chúng tôi đã tiến hành kiểm định lại các sản phẩm mà mình đang lưu hành, để đảm bảo hàng hóa của mình an toàn, đủ tiêu chuẩn lưu hành, giúp cho người tiêu dùng yên tâm hơn”.
Theo ông Bùi Văn Quyền, Nguyên Cục trưởng Cục công tác phía Nam – Bộ KHCN; Phó Chủ Tịch Hội sáng chế Việt Nam thì: “Để tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái, các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc đăng ký bản quyền, thương hiệu, nhãn mác sản phẩm… Thường xuyên theo dõi, gắn bó với các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, tổng cục đo lường chất lượng, để xử lý kịp thời khi bị vi phạm”.
Các tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong dư luận, làm mất niềm tin đối với người tiêu dùng, nhằm bôi nhọ danh dự, uy tín của cá nhân, doanh nghiệp cũng đang là những khó khăn mà rất nhiều doanh nghiệp gặp phải hiện nay.
Ông Trương Anh, Chủ tịch Tập đoàn Đầu Tư VS cho rằng: “Chúng tôi thường xuyên bị các đối tượng xấu viết bài bôi nhọ, nhằm hạ danh dự và uy tín của doanh nghiệp trên nền tảng mạng xã hội, đồng thời thường xuyên gọi điện, nhắn tin đóng phí quảng cáo để gỡ bài, quảng cáo, khi chúng tôi không còn chi phí để làm lại tiếp tục viết bài bôi nhọ, làm cho doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Trong năm 2022 công ty tổ chức nhiều cuộc họp tháo gỡ khó khăn nhưng tình hình vẫn chưa khả quan. Trước tình trạng này, chúng tôi đành phải cắt giảm nhân sự, dẫn đến người lao động bị mất việc làm. Chúng tôi cũng đã ra thông báo, gửi đơn đến cơ quan chức năng nhằm hỗ trợ”.
Cùng chung số phận, bà Nguyễn Thị Thêm cho biết thêm: “Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Đông Y nhiều năm nay, chúng tôi có vùng nguyên liệu để khai thác tối đa các cây thuốc quý của dân tộc. Bên cạnh đó tiến hành nghiên cứu, liên kết để sản xuất ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tất cả các sản phẩm của chúng tôi được kiểm định chất lượng sản phẩm, được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, máy móc tiên tiến nhất, nhưng vẫn bị các đối thủ và một số thành phần cắt ghép, bôi nhọ danh dự, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của những nhà phân phối cũng như người tiêu dùng. Hiện tại chúng tôi đã thu thập toàn bộ những chứng cứ, và cung cấp cho các cơ quan điều tra, nhằm hỗ trợ”.
“Để bảo vệ mình, chính các doanh nghiệp phải đề cao cảnh giác, có kiến thức nhằm bảo vệ chính mình, đồng thời liên hệ với các cơ quan chức năng, nhằm cung cấp chứng cứ khi cần thiết”, Ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm truyền thông truyền hình chống hàng giả bảo vệ thương hiệu cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ – Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết thương hiệu là một chủ đề rất rộng. Trong khi hiện nay chưa có một văn bản pháp lý nào nói về việc nhà nước bảo vệ thương hiệu, mà chỉ có các đối tượng được quyền sở hữu trí tuệ từ sáng chế, giải pháp hữu ích, thương mại, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bí quyết thương mại… Chính vì vậy, doanh nghiệp phải trang bị cho mình các kiến thức để bảo vệ chính doanh nghiệp của mình. Đồng thời, khi gặp các vấn đề về thương hiệu, cần liên hệ với các cơ quan chức năng để nhanh chóng có các biện pháp xử lý”.
Trong tình hình kinh tế nhiều biến động và còn rất nhiều khó khăn trong thời gian tới. Bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng cần phải nhiều nỗ lực hơn nữa, nhằm giúp doanh nghiệp mình vượt qua khủng hoảng, mang lại công ăn việc làm cho người lao động.
Bảo Ngọc SG