Phim Việt biến mất trong mùa hè này, đến tháng 10 mới có một phim ra rạp. Đây là hiện tượng chưa từng có của điện ảnh Việt, không tính thời COVID-19.
Nửa đầu năm 2023, con số doanh thu phòng vé với hơn 1.000 tỉ đồng là tín hiệu vui cho điện ảnh Việt. Tuy nhiên, sau khi Lật mặt: Tấm vé định mệnh của Lý Hải rời rạp, phim Việt hoàn toàn biến mất mùa hè này. Dự án lên lịch ra mắt cuối năm mới có Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.
Theo đó, đây là hiện tượng chưa từng xảy ra với điện ảnh Việt Nam, ngoại trừ năm 2021, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát. Số lượng phim Việt ra rạp trong 6 tháng qua là 10 phim: 8 phim điện ảnh và 2 phim tài liệu. Đây là con số ít kỷ lục trong 5 năm vừa qua.
“Ngành phim phải tự nuôi sống mình bằng mô hình kinh doanh bền vững. Làm được như vậy, nó sẽ thành thỏi nam châm hút vốn đấu tư, không cần quỳ gối ngửa tay đi xin tiền”.
Ít phim Việt vì khó gọi vốn
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhiều nhà làm phim Việt cho biết trước đây việc gọi vốn cho phim Việt đã khó. Từ thời hậu COVID-19 đến nay, việc tìm nguồn vốn sản xuất phim càng gian nan hơn.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn (Bắc Kim Thang, Chuyện ma gần nhà) cho hay: “Điện ảnh là một ngành nghề nhiều rủi ro nên cũng khiến các nhà đầu tư “nhát tay”. Số lượng những phim được rót vốn để sản xuất không nhiều. Tôi nghĩ tình hình này sẽ kéo dài đến hết năm”.
Theo anh Trần Hữu Tấn, khán giả Việt vẫn luôn dành sự ưu ái nhất định cho phim Việt, trừ khi sản phẩm đó có chất lượng không tốt. Nhưng do thị trường đang khó khăn nên các nhà đầu tư rất thận trọng khi lựa chọn đội ngũ hay kịch bản để đầu tư.
Nhà sản xuất Hằng Trịnh chỉ ra rằng tình hình hiện tại chịu ảnh hưởng từ tình trạng nhiều phim Việt thua lỗ tại rạp vào các năm trước.
Chị nói: “Tôi nghĩ đây giống như một làn sóng của điện ảnh Việt vậy. Nhìn vào số lượng phim năm ngoái ra rạp với tỉ lệ thất bại nhiều, các nhà sản xuất sẽ bị chùn tay. Xu hướng chung của các nhà sản xuất điện ảnh bây giờ là họ sẽ đi theo một dòng thời gian cụ thể, phát hành phim vào những thời điểm vàng.
Theo giới làm phim, trong năm nay các nhà sản xuất, đạo diễn đã bắt tay thực hiện nhiều dự án hơn nhưng chưa công bố nhiều. Do đó, vào năm 2024 sẽ có nhiều phim Việt ra rạp hơn.
“Chúng ta cứ nhìn giai đoạn khoảng 2 năm cho 1 bộ phim thì có thể đoán làn sóng chung các phim ra rạp thế nào. Nó sẽ lên cao và xuống thấp theo từng năm” – Hằng Trịnh nói.
“Sản xuất phim không phải đi ăn mày”
Về nguyên nhân sâu xa hơn, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nói với Tuổi Trẻ Online: “Vấn đề về tư duy của ngành phim Việt Nam chính là nằm ở chỗ xin tài trợ. Sản xuất phim không phải đi ăn mày. Tiền đổ vào phim là đầu tư kinh doanh chứ không phải đi từ thiện.
Vậy nên, đã là một ngành kinh tế thì trước hết nó phải tự nuôi sống bằng mô hình kinh doanh bền vững, có sự tăng trưởng cao, định lượng được. Làm được như vậy tự nhiên nó sẽ thành một thỏi nam châm hút vốn đấu tư, không cần quỳ gối ngửa tay đi xin tiền”.
Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, nhà làm phim phải chấp nhận rủi ro như một tầm nhìn lớn của bản thân.
Chấp nhận rủi ro càng lớn thì lợi nhuận thu về càng cao. Nếu chỉ có tư duy làm thuê an phận thì không nên dấn thân vào ngành này.
Trong khi đó, nhà sản xuất Hằng Trịnh cũng cho rằng các nhà đầu tư phim tại Việt Nam đa phần toàn người trong ngành, rất ít người ngoài ngành, nên cuộc chơi đầu tư phim ảnh ở Việt Nam giống như “cuộc chơi nhỏ nhỏ của những người quen biết với nhau”.
Nhà sản xuất này đánh giá, để thu hút những nhà đầu tư từ phía ngoài ngành không hề dễ.
Điều quan trọng là các nhà làm phim phải nâng chất lượng sản phẩm, thực hiện đa dạng các thể loại, kịch bản thu hút, cảnh quay chỉn chu, để thị trường không bị chênh lệch quá nhiều giữa chất lượng phim và doanh thu đem lại.
“Khi người ngoài ngành nhìn thấy khoảng cách đó càng ngày càng gần hơn và có thể đi theo một công thức chung nào đó, họ sẽ mạnh dạn nhảy vào cuộc chơi này hơn.
Hiện tại, việc đầu tư bị dồn quá nhiều về một phía, với những tên tuổi lớn, ê kíp mạnh, còn những tên tuổi nhỏ hơn gặp nhiều khó khăn trong quá trình gọi vốn” – Hằng Trịnh chia sẻ.
Theo Bảo Tuổi Trẻ Online