Bát nháo thị trường tín dụng phi ngân hàng

Khi muốn vay tiền, mọi người sẽ nghĩ đến ngân hàng. Nhưng với những người không đủ điều kiện vay, họ buộc phải trông chờ vào các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Nhưng những tổ chức như thế hoạt động rất lộn xộn, thật giả khó phân, như một ma trận “chẳng biết đâu mà lần”.

Thạch Sanh thì ít

Không tài sản thế chấp, không chứng minh thu nhập, mắc nợ xấu nhóm 3 hay không có lịch sử vay ngân hàng, sợ phải thực hiện các thủ tục rườm rà là những nguyên nhân chính khiến nhiều người không thể vay tiền từ các ngân hàng, công ty tài chính. Khi đó, họ sẽ tìm cách vay các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác như quỹ tín dụng nhân dân, cửa hàng cầm đồ, vay hụi, vay bốc bác họ, thậm chí vay qua app, vay tín dụng đen… miễn là vay dễ dàng, dù là vay tiền mặt hay chuyển khoản. Điểm chung của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng là điều kiện vay dễ dàng hơn so với các ngân hàng, công ty tài chính và tốc độ giải ngân nhanh, thậm chí chỉ 15 phút sau khi nhận đủ hồ sơ.

Tuy vậy, không phải không có rủi ro mà  trong đó, lớn nhất, là tính hợp pháp và mức độ uy tín của các tổ chức cho vay. Đáng tiếc là số lượng các tổ chức tín dụng hợp pháp không nhiều nhưng đáng tiếc hơn là không phải người vay cũng tìm hiểu kỹ vấn đề này hoặc có biết thì cũng nhắm mắt cho qua, miễn là vay nhanh, vay gọn.

Xét về tính hợp pháp, tức là được nhà nước cấp phép và quản lý, thì quỹ tín dụng nhân dân và các doanh nghiệp cầm đồ là hai tổ chức tín dụng phi ngân hàng nghiêm túc nhất. Sự nghiêm túc bắt nguồn từ việc các cơ quan chức năng như thanh tra ngân hàng hay công an thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổ chức này, đảm bảo họ cung cấp các khoản vay đúng theo khuôn khổ pháp luật.

Quỹ tín dụng nhân dân thì đảm bảo chỉ cung cấp khoản vay cho người dân đăng ký hộ khẩu và sinh sống tại phường xã, quận huyện mà quỹ đăng ký hoạt động, không cung cấp khoản vay cho những người ở khác quận, khác huyện, khác tỉnh thành. Năm 2022, Việt Nam có khoảng 1.200 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động tại 57/63 tỉnh thành (Cổng thông tin điện tử quốc gia). Các doanh nghiệp cầm đồ thì có thể cấp khoản vay cho bất cứ ai, miễn là họ có tài sản cầm cố đúng quy định của pháp luật. Cũng năm 2022, Việt Nam có khoảng 27.000 cửa hàng cầm đồ (Bộ Công an) trong đó có một số doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng hoạt động nghiêm túc, tuân thủ pháp luật, có uy tín như “ông lớn” F88 với gần 850 phòng giao dịch trên cả nước.

Tuy nhiên, số lượng quỹ tín dụng nhân dân, cửa hàng cầm đồ hợp pháp ấy chưa đủ đáp ứng nhu cầu vay đa dạng của người dân. Đó là nguyên nhân khiến thị trường đã xuất hiện những tổ chức tín dụng, những địa chỉ cho vay nhiều bất ổn khác.

Lý Thông thì nhiều

Vay hụi, vay bốc bát họ, vay qua app và vay nóng qua các số điện thoại dán trên cột điện, bờ tường… được cho là các hình thức vay tồn tại nhiều bất ổn.

Đầu tiên, nhà nước không cấp phép cho hình thức vay này mà việc vay tiền là thỏa thuận tự nguyện giữa người đi vay và người cho vay. Vì không có sự giám sát và kiểm tra, quản lý của cơ quan nhà nước nên hầu hết các giao dịch theo hình thức này đều đã không tuân thủ quy định của pháp luật, từ đó xảy ra tranh chấp, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người đi vay.

Tiếp đến là lãi suất. Việc quỹ tín dụng nhân dân thu lãi phí như thế nào đã được Luật các tổ chức tín dụng quy định. Mức lãi phí cầm đồ cũng đã được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Hiện tại, lãi vay từ quỹ tín dụng nhân dân tương đương lãi suất ngân hàng trong khi lãi vay từ chuỗi cầm đồ như F88 tương đương lãi suất công ty tài chính hợp pháp, từ 35%/năm tính trên dư nợ giảm dần. Trong khi lãi vay qua app, tín dụng đen thì lên đến hàng trăm %/năm, thậm chí có nhiều vụ việc lên đến cả nghìn %/năm.

Cuối cùng, khi có tranh chấp, những chủ hụi, chủ phường, chủ app thường áp dụng cách hành xử bất hợp pháp, gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống vật chất và tinh thần của người vay. Thậm chí nhiều nạn nhân tín dụng đen sau khi được giải cứu cho biết họ đã “sống không bằng chết”.

Việc thị trường tín dụng phi ngân hàng trở nên lộn xộn như hiện tại là bởi có quá nhiều địa chỉ cho vay bất hợp pháp hoạt động tinh vi, né tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng và rình rập mọi sai lầm của người vay, khiến họ “tiền mất, tật mang” nhằm thu lợi bất chính. Trước thực trạng này, các chuyên gia tài chính cho rằng giải pháp căn cơ nhất vẫn là ý thức của người vay, “chỉ nên vay tiền khi thực sự cần” và tìm hiểu, xem xét kỹ về uy tín, độ an toàn của người cho vay.