Đầu Tuần Tới Sẽ Có Thông Báo “Room” Tín Dụng

Thông điệp này được bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN, nêu tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022 diễn ra ngày 26-8.

Bà Hồng yêu cầu các vụ, cục chức năng, trong đó có Vụ Tín dụng các ngành kinh tế khẩn trương xây dựng nội dung chương trình cho các chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố triển khai tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp trong bối cảnh số giải ngân thuộc chương trình hỗ trợ lãi suất 2% còn nhỏ giọt, ước tính mức lãi suất hỗ trợ cho khách hàng đến cuối tháng 8-2022 chỉ đạt 13,5 tỉ đồng.

Ngoài ra, bà kiến nghị các bộ, ngành phối hợp cùng NHNN để có những tham mưu đề xuất nhằm xử lý những khó khăn, vướng mắc. Từ đó đưa ra hướng dẫn, giải đáp kịp thời trong phạm vi thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền không thể triển khai thì trình Chính phủ báo cáo Quốc hội.

Người đứng đầu ngành Ngân hàng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan thông báo hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% với hạn chót là đầu tuần tới.

Yêu cầu này nhằm để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phục hồi sản xuất – kinh doanh.

Trước đó, tại một hội nghị diễn ra cuối tháng 7-2022, bà Hồng cho biết cơ quan quản lý vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14% nhằm tránh cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng, đồng thời ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Theo thống kê của NHNN, tăng trưởng tín dụng lũy kế từ đầu năm tới 15-8 đạt 9,6%, cao hơn 0,2% so với thời điểm cuối tháng 6-2022 (9,4%). Diễn biến này cho thấy tín dụng tăng trưởng khá mạnh trong 6 tháng đầu năm nhưng sau đó đã chững lại đáng kể do NHNN chưa điều chỉnh “room” tín dụng.

Về phía chuyên gia, tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tài chính Tiền tệ Quốc gia, cho rằng NHNN cần linh hoạt về hạn mức tăng trưởng tín dụng.

“NHNN không nên chờ đến quý 4 khi tăng trưởng tín dụng và lạm phát ‘êm’ rồi mới nới ‘room’ tín dụng vì như vậy quá trễ so với nhu cầu phục hồi của nền kinh tế và của doanh nghiệp”, ông Lực nói tại diễn đàn “Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới” ngày 24-8.

Theo ông, nới “room” tín dụng là điều kiện cần và đủ để triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Không chỉ vậy, việc nới room tín dụng còn ảnh hưởng rất nhiều đến việc cung ứng vốn cho nền kinh tế nhất là trong bối cảnh nhu cầu vốn tăng cao khi nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch.

Trương Tử Vy – BNSG