Giá xăng giảm mạnh liên tiếp, sao giá hàng hóa chưa giảm?

Tính từ đầu tháng 7, xăng E5Ron 92 đã giảm 6.229 đồng/lít và xăng Ron 95 đã giảm hơn 6.800 đồng/lít. Giá xăng lên, kéo theo giá hàng hóa. Tuy nhiên, khi giá xăng xuống thì giá các loại hàng hóa vẫn đứng yên, thậm chí không ít loại vẫn tăng.

Giá trứng, thịt heo, rau xanh vẫn tăng hàng ngày

Theo ghi nhận, tại một số chợ ở TP.HCM, trong sáng 22/7, giá các loại rau ăn lá tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg tùy loại so với 1 tuần trước; Thịt heo tăng từ 1.000-5.000 đồng/kg so với 10 ngày trước; Trứng gà, vịt cũng tăng 1.000 – 2.000 đồng/chục tùy loại.

Tiểu thương kinh doanh thịt heo tại chợ Trần Văn Quang, quận Tân Bình cho biết, phải tăng giá thịt heo vì giá heo hơi vẫn đang tăng.

Trong khi đó, tiểu thương kinh doanh rau, củ tại chợ Ông Địa, quận Tân Bình cho rằng, giá các loại rau ăn lá như xà lách, tần ô, cải dún… tăng do lượng hàng về chợ giảm.

Theo số liệu tại chợ đầu mối Hóc Môn ngày 22/7, giá heo hơi loại 1 là 68.000 đồng/kg; loại 2 là 64.500 đồng/kg; giá heo mảnh loại 1 93.000 đồng/kg, loại 2 là 85.000 đồng/kg, đùi rọ 85.000 đồng/kg, sườn non 155.000 đồng/kg, cốt lết 83.000 đồng/kg, nạc dăm 100.000 đồng/kg, giò trước 85.000 đồng/kg, ba rọi 120.000 đồng/kg.

Mức giá heo pha lóc tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg tùy loại so với ngày 19/7.

Cũng theo thông tin tham khảo từ chợ Hóc Môn, giá heo hơi tại các trại chăn nuôi, hộ dân hiện ở mức 62.000 đồng/kg đến 70.000 đồng/kg.

Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã bỏ qua thời cơ giảm giá

Trao đổi về nguyên nhân tại sao xăng giảm giá mà giá hàng hóa vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, hiện nay mỗi lít xăng E5Ron 92 đã giảm 6.229 đồng/lít và mỗi lít xăng Ron 95 đã giảm hơn 6.800 đồng/lít, đưa giá các mặt hàng xăng nhiên liệu trên thị trường về mức 25.000-26.000 đồng/lít.

Tuy nhiên, giá hàng hóa hầu như chưa giảm, thậm chí còn tăng 5-7%, giá cước vận tải cũng chưa giảm, nguyên nhân do liên bộ Công thương và Tài chính đã bỏ qua thời cơ giảm giá xăng dầu và khi giảm thì giảm nhỏ giọt.

“Đáng lẽ liên bộ phải giảm giá xăng dầu từ hồi tháng 2, tháng 3, như thế giá sẽ không tăng cao như hiện nay; thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT hiện chưa giảm. Xăng dầu tăng 11.000 đồng/lít mà giảm 6.000 đồng/lít thì cũng chưa ăn thua”, ông Phú nói.

Cũng theo ông Phú, nguyên nhân thứ hai là do doanh nghiệp còn nghe ngóng sắp tới xăng dầu giảm tiếp hay tăng; họ đã phải bù đắp lỗ 5-6 tháng trước đây. Nguyên nhân thứ 4 là độ trễ của giảm giá phải ít nhất 2-3 tháng. Theo đó, nếu sắp tới giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt thì trong vài tháng tới hàng hóa có khả năng giảm giá khoảng 10-15% so với hiện nay.

“Theo dõi thị trường tôi thấy, giá có tính bảo thủ, lên nhanh nhưng xuống chậm, thậm chí không xuống. Tôi e rằng, do nhu cầu mua sắm, từ nay đến tết giá nhiều mặt hàng còn tăng hơn nữa, đơn cử như thịt heo. Hiện nay tại thị trường miền Bắc, giá heo hơi đã là 75.000 đồng/kg rồi. Tôi e ngại, chỉ tiêu lạm phát 4% là mong manh, có khi phải 4,5%”, ông Phú nói thêm.

Từ đây, ông Phú cho rằng, để giá hàng hóa cao như hiện nay, có 60% là lỗi từ quản lý của nhà nước, còn lại là lỗi “té nước theo mưa” của người kinh doanh.

“Các nhà làm chính sách đừng ngồi máy lạnh, phải ra chợ, đi siêu thị mới làm chính sách được vì nếu ngồi máy lạnh mà làm chính sách là hại dân và doanh nghiệp. Đồng thời nên bỏ quỹ bình ổn bằng tiền của dân thay bằng dự trữ xăng dầu 30-50-60 ngày để góp phần bình ổn giá xăng dầu tốt và hiệu quả hơn”, ông Phú kiến nghị.

Ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Thảo Nguyên (Đà Lạt) cho biết, việc giảm giá xăng dầu khiến áp lực vận chuyển, chi phí sản xuất của doanh nghiệp giảm đi phần nào. Cụ thể, với mỗi xe hiện nay, chi phí vận chuyển (chạy bằng dầu) của doanh nghiệp giảm được 500.000 đồng/chuyến xe. Như vậy, giá thành sản xuất cũng giảm đi phần nào.

Giá bán các loại rau vào siêu thị, theo ông Lam Sơn, thời gian qua và hiện nay ở mức ổn định, không tăng, không giảm. Tuy nhiên, trong vòng 2 tuần trở lại đây, giá bán các loại rau ăn lá như tần ô, xà lách, cải dún… tại các chợ và một số cửa hàng tăng khoảng 10% do sản lượng giảm bởi mưa kéo dài.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, dù giá xăng dầu giảm liên tiếp nhưng vẫn khó kéo giá trứng gia cầm xuống thấp bởi giá thành sản xuất trứng đã tăng cao kỷ lục.

Theo ông Thiện, xăng dầu ảnh hưởng tới chi phí logistic của Vĩnh Thành Đạt, trong cơ cấu giá thành quả trứng, chi phí logistics chiếm dưới 20%. Việc giá trứng tăng phụ thuộc nhiều vào giá thức ăn chăn nuôi. Hiện nay giá thức ăn chăn nuôi đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, theo đó, giá trứng dự đoán còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

“Giá xăng hạ nhiệt nhưng giá thức ăn chăn nuôi, giá lương thực trên thế giới tăng do khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, trực tiếp tác động đến giá trứng thì chưa có dấu hiệu hạ nhiệt”, ông Thiện chia sẻ thêm.

Trương Tử Vy (Tổng hợp)