Ông Trần Sỹ Thanh được bầu làm Chủ tịch UBND TP. Hà Nội

Chiều 22/7, HĐND TP. Hà Nội đã tổ chức kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 8) để xem xét, bầu chức danh Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Dự kỳ họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Trần Sỹ Thanh… cùng các lãnh đạo Thành ủy, HĐND TP, UBND TP, Ủy ban MTTQVN TP Hà Nội, đại diện các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu HĐND TP Hà Nội.

Tại kỳ họp, với 100% đại biểu có mặt tán thành, ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội được bầu làm Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Trần Sỹ Thanh bày tỏ đây là niềm vinh dự, là trách nhiệm hết sức lớn lao trước Đảng bộ, chính quyền, cử tri và nhân dân Thủ đô. Đồng thời, nguyện cống hiến hết sức mình, tiếp tục học tập, tu dưỡng, rèn luyện và phát huy cao nhất những kiến thức, khả năng và kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình công tác; nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Thủ đô.

Thời gian tới, thành phố sẽ ưu tiên tạo đột phá trên 3 lĩnh vực gồm: Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, mang đặc trưng của Thủ đô; Hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch.

Trên cương vị Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh cho biết sẽ gìn giữ và phát huy những thành tựu, kết quả đạt được của Thủ đô qua các thời kỳ; tiếp tục đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa trong nhiệm kỳ 2021-2026; góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”; từng bước thực hiện mục tiêu để Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; là thành phố kết nối toàn cầu; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội toàn diện, đặc sắc và hài hòa, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới – để Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành một thành phố đáng sống.

Thực hiện mục tiêu đó, hệ thống chính quyền Thành phố phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, ủy quyền, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ Thành phố đến cơ sở. Tổ chức phân công, phân nhiệm rõ ràng; kiểm tra, khen thưởng và kỷ luật nghiêm minh. Kiên quyết loại bỏ những cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, vô cảm, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ; nhất là việc cá thể hóa trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các cơ quan hành chính của Thành phố.

Mục tiêu quan trọng trước mắt để “mỗi người dân, doanh nghiệp cảm nhận được, thụ hưởng được những lợi ích từ quá trình cải cách hoạt động điều hành của chính quyền Thành phố. Thước đo của thành công là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”.

Trương Tử Vy (Tổng hợp)