Rắc rối quanh tòa nhà trên khu đất ‘vàng’ ở Sài Gòn

TP HCM – Tòa nhà Upex Tower trên khu đất 600 m2 ở quận 1 được Công ty Upexim hợp tác với Tradeco xây dựng, song bị mang đi lừa bán nên các bên cùng đòi quyền lợi.

Ngày 30/6, phiên xử bị cáo Trương Vui (62 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu lâm sản, hàng tiểu thủ công nghiệp – Upexim) tiếp tục với phần tranh luận giữa các bên về những vấn đề liên quan tòa nhà Upex Tower số 4-6 Hồ Tùng Mậu, quận 1.

Năm 2010 UBND TP HCM chỉ định bán nhà đất trên cho Công ty Upexim. Ông Vui bàn với các thành viên HĐQT để Công ty Cổ phần đầu tư thương mại – Tradeco tham gia góp vốn hợp tác kinh doanh xây dự án Upex Tower. Upexim đã nhận 60 tỷ đồng – tương đương một nửa giá trị quyền sử dụng đất cho Tradeco. Tuy nhiên, ông Vui giấu chuyện đây là tài sản hợp tác kinh doanh với Tradeco, đem đi bán tài sản này cho Công ty Kim Cương Xanh chiếm đoạt 120 tỷ đồng, thế chấp cho ngân hàng và tiếp tục bán thêm cho Tradeco 20% cổ phần (tương đương 24 tỷ đồng).

Tòa nhà Upexim trên đường Hồ Tùng Mậu, quận 1. Ảnh: Mạnh Tùng
Tòa nhà Upexim trên đường Hồ Tùng Mậu, quận 1. Ảnh: Mạnh Tùng

Bảo vệ quyền lợi cho Upexim, luật sư Vũ Phi Long cho rằng, quá trình xét hỏi HĐXX đã làm rõ tính pháp lý của việc ký kết hợp đồng hợp tác giữa Upexim với Tradeco khi bị cáo Vui sử dụng tài sản thuộc sở hữu nhà nước để đưa vào hợp tác.

Theo luật sư, thời điểm ký hợp tác với Tradeco, nhà đất này vẫn là tài sản sở hữu của nhà nước. Upexim cùng Tradeco ký kết hợp đồng hợp tác khai thác tài sản đang thuộc sở hữu của nhà nước.

“Hợp đồng hợp tác kinh doanh này có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình thức, được xem là vô hiệu thì không cần xem xét về nội dung, kể cả việc chia lợi nhuận trong việc sử dụng khai thác tòa nhà 4-6 Hồ Tùng Mậu như Tradeco yêu cầu tại phiên tòa”, luật sư Long nêu quan điểm.

Ông Long cũng cho rằng, cáo trạng của VKSND Tối cao cũng xác định, sau khi ông Vui và Tradeco ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh mới có hành vi phạm tội – tức hợp đồng này là quan hệ dân sự, không liên quan đến vụ án hình sự. Bản chất của loại hợp đồng góp vốn này nếu xảy ra tranh chấp, kiện tụng về quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ do toà dân sự giải quyết.

Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX không giải quyết việc chia đôi tòa nhà cho Tradeco trước khi giải quyết trách nhiệm bồi thường cho các bị hại.

Ông Long cũng đề nghị HĐXX chấp nhận đề nghị của đại diện VKS, tuyên buộc bị cáo Trương Vui phải bồi thường cho Công ty Kim Cương Xanh 47 tỷ đồng, liên đới với Upexim bồi thường cho công ty này hơn 72 tỷ… Còn Upexim phải bồi hoàn cho Tradeco 24 tỷ đồng.

Luật sư Vũ Phi Long bảo vệ cho Upexim. Ảnh: Ngân Nga
Luật sư Vũ Phi Long bảo vệ cho Upexim. Ảnh: Ngân Nga

Không đồng tình, luật sư Lê Thị Bích Chi (bảo vệ cho Tradeco) yêu cầu tòa tuyên Upexim trả lại 50% giá trị nhà đất tại 4-6 Hồ Tùng Mậu và 50% giá trị hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động kinh doanh, khai thác bất động sản này. “Chúng tôi đề nghị tòa giải quyết quyền lợi của Tradeco đối với 50% giá trị nhà đất 4-6 Hồ Tùng Mậu ngay trong vụ án hình sự này”, luật sư Chi nói.

Theo luật sư Chi, nhà đất này là vật chứng trong vụ án. Theo Điều 106, Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, vật chứng của vụ án phải được xem xét xử lý ngay trong vụ án hình sự.

Luật sư này cũng cho rằng, Tradeco và Upexim ký hợp đồng hợp tác kinh doanh thực hiện và khai thác dự án, trong đó giai đoạn một là góp vốn để hình thành nên quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản này, mỗi bên sở hữu 50% tài sản. Tại thời điểm ký kết hợp đồng hợp tác, các bên không phân định 50% phần sở hữu căn nhà của mỗi bên thuộc vị trí nào. Nhà đất số 4-6 Hồ Tùng Mậu là vật đồng bộ không thể phân chia theo quy định tại điều 118 Bộ luật Dân sự nên phải xem xét giải quyết nguyên căn nhà này trong vụ án hình sự.

Hơn nữa, việc xác định giá trị pháp lý của hợp đồng hợp tác và giải quyết quyền lợi của Tradeco đối với 50% giá trị nhà đất có ý nghĩa đối với việc xác định cấu thành tội phạm. Tức là căn cứ xác định có hay không hành vi gian dối của Trương Vui khi dùng tài sản đồng sở hữu đi lừa bán cho Công ty Kim Cương Xanh.

Cũng bảo vệ Tradeco, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang cho rằng, hợp đồng hợp tác của Tradeco và Upexim không vô hiệu về hình thức và nội dung. Đây là căn cứ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của Tradeco, do đó cần thiết phải xử lý căn nhà trong vụ án này.

Luật sư Lê Thị Bích Chi bảo vệ cho Tradeco. Ảnh: Ngân Nga
Luật sư Lê Thị Bích Chi bảo vệ cho Tradeco. Ảnh: Ngân Nga

Liên quan đến tranh chấp tòa nhà, năm 2019, TAND TP HCM xử sơ thẩm lần đầu đã buộc Upexim trả cho Tradeco khoản tiền tương đương 50% giá trị căn nhà theo hợp đồng hợp tác kinh doanh, 50% còn lại sẽ được đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán khoản vay của Upexim đối với Agribank, Công ty Kim Cương Xanh và những người liên quan khác.

Tuy nhiên, khi xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên hủy bản án trên bởi xác định việc thỏa thuận góp vốn đầu tư giữa Upexim và Tradeco là quan hệ giao dịch dân sự, được thực hiện giữa hai pháp nhân, không có dấu hiệu gian dối. Theo đó, cấp sơ thẩm kê biên tòa nhà, chia 50% giá trị nhà đất giao cho công ty Tradeco để thanh toán cho hợp đồng hợp tác kinh doanh là trái thẩm quyền bởi “đã giải quyết vụ việc dân sự trong hình sự”.

Bản án phúc thẩm cũng cho rằng, cấp sơ thẩm có nhiều vi phạm tố tụng khác nên cần điều tra xét xử lại để đảm bảo quyền lợi các bên.

Nguồn: VNEXPRESS